ĐÂY LÀ TRANG BLOG GIỚI THIỆU VỀ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA NHỮNG TÀI LIỆU VÀ HÌNH ẢNH TRONG CUỐN LỊCH SỬ BẰNG HÌNH ẢNH DO BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 13 XUẤT BẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

PHẦN 1 CỦA SÁCH ẢNH: RA ĐỜI VÀ TRƯỞNG THÀNH Ở TRƯỜNG SƠN

Trường Sơn, vượt núi, băng sông,
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa
Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.
(Trích Thơ Tố Hữu)



Đến năm 1971 Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 17 năm. Quân và dân ta tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược, buộc Mỹ - ngụy Sài Gòn càng trở nên lung túng, bị động. Một trong những biện pháp để đối phó với tình hình là chúng tăng cường đánh phá tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn lên một trình độ mới, với một thủ đoạn mới, trong đó tăng cường sử dụng máy bay B52, các máy bay trang bị phương tiện điều khiển bằng tia Lade và máy bay AC 130 để ngăn chặn, săn đuổi xe hoạt động. Chỉ tính riêng số lượng bom mà máy bay Mỹ đánh phá trong năm 1971, năm cao nhất từ khi có tuyến đường Trường Sơn là 1.635.100 quả. Còn sang năm 1972 số lượng bom cũng là 1.025.898 quả.
Bước vào mùa khô 1971 - 1972 Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn chủ trương xây dựng cho được thế trận cầu đường, nhanh chóng củng cố phát triển lực lượng và xây dựng phương án tổ chức mới nhằm đáp ứng được sự đòi hỏi của tốc đọ và quy mô chi viện ngày càng lớn. Đó cũng là bối cảnh để ngày 15 tháng 9 năm 1971 Trung đoàn ô tô vận tải 13 - Trung đoàn vận tải chủ lực đầu tiên của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được thành lập.
Bước đầu ra đời, các Tiểu đoàn 101,70,72,74 và sau đó là các Tiểu đoàn 77,990 lần lượt về hợp thành lực lượng của Trung đoàn, trong đó Tiểu đoàn 101 - Đơn vị Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.Tuy mới thành lập nhưng đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ đã được thử thách bom đạn, từng nằm gai nếm mật của mùa khô, mùa mưa Trường Sơn ở các đơn vị trong tuyến điều động về, cùng số thanh niên còn trẻ măng, vừa rời ghế nhà trường tràn đầy nhiệt huyết từ hậu phương miền Bắc được bổ sung cho Trung đoàn.
Là Trung đoàn vận tải chủ lực cơ động, đi sâu, đi xa, thường chạy cung dài, lấy hàng từ hậu phương miền Bắc chạy thẳng đến các điểm cuối giao hàng cho các chiến trường nên ngay trong chuyến ra quân đầu tiên Trung đoàn đã được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự, hàng tuyệt mật và đặc biệt vào chiến trường Nam bộ có cự ly dài hơn 1000 Km. Trong suốt các mùa vận chuyển tiếp đô cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải đương đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng vũ khí kỹ thuật hiện đại và những thủ đoạn thâm hiểm của địch. Cũng vì vậy mỗi chuyến xe chở hàng vào chiến trường đều là những trận chiến đấu chống ngăn chặn cực kỳ ác liệt và căng thẳng. Ngoài ra còn thường xuyên phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hiểm trở của tuyến đường do nhiều đèo cao, suối sâu.

Chiến tranh càng phát triển, cả Trung đoàn hối hả lao vào cơn lốc vận chuyển để vượt cung, tăng chuyến, hết ở Tây Trường Sơn lại khẩn trương lật cánh sang Đông Trường Sơn, không quản mùa khô hay mùa mưa. Khi vận chuyển chiến lược, lúc vận chuyển chiến dịch hoặc vận chuyển trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cả Trung đoàn đã liên tục, khẩn trương với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm” vận chuyển ngày đêm cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ động các quân đoàn “Thần tốc, táo bạo” bước vào chiến dịch.
Từ năm 1975 đến năm 1983 Trung đoàn vừa xây dựng đơn vị vững mạnh theo hướng chính quy vừa tham gia vận chuyển giúp Bạn và tiếp tục vận chuyển phục vụ cho bộ đội ta chiến đấu ở hướng biên giới Tây Nam và phía Bắc. Với bản chất của người lính Trường Sơn và truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 13 anh hùng “Trung thành vô hạn, chiến đấu kiên cường - Tổ chức chỉ huy vận chuyển giỏi, cơ động nhanh, đột kích mạnh, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, tuyến đường nào cũng vượt qua” cán bộ, chiến sĩ toàn Trung đoàn sẵn sàng đón nhận những khó khăn, thử thách mới.

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
- CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI
Xe anh nặng nghĩa, nặng tình
Anh đi mang cả bên mình chiến công
Trường Sơn Tây, Trường Sơn Đông
Đèo cao, suối thẳm, trông mong, đợi chờ
(Trích thơ Sóng Hồng)

Thực hiện chủ trương chi viện chiến lược, vật chất của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam, tháng 5 năm 1959, Bộ chính trị Đảng ta đã quyết định tổ chức tuyến vận tải quân sự trên bộ và trên biển,. Tuyến trên bộ có tên là Đoàn 559 (Sau này đổi tên là tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn). Lúc ban đầu các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 được giao nhiệm vụ thực hiện việc soi đường, mở lối, tổ chức gùi thồ, giao liên, len lỏi qua rừng rậm, núi cao, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chỉ qua hai mùa khô và một mùa mưa Trường Sơn, theo những con đường rừng ấy với khẩu hiệu sống còn: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng” đã có hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho Khu 5 và Tây nguyên, ngoài ra còn có hơn hai nghìn cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân vào các chiến trường.
Từ năm 1961 tuyến 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn, bước đầu tổ chức vận tải cơ giới. Đến năm 1965 chẳng những vận tải cơ giới đã có bước phát triển mà việc tổ chức, chiến đấu hiệp đồng binh chủng chống chiến tranh ngăn chặn của Mỹ để thực hiện chi viện miền Nam cũng được thực hiện ngày càng tốt hơn. Chiến tranh càng phát triển, tuyến 559 - Đường Trường Sơn càng trở thành mục tiêu đánh phá ngăn chặn hàng đầu của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, đường Trường Sơn bị đánh hủy diệt tàn khốc với trên 4 triệu tấn bom của địch đã được ném xuống tuyến đường. Trong cuộc chiến đấu chống ngăn chặn ấy đã có hai vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng hy sinh, 3 vạn người bị thương, khoảng 14.500 lần chiếc xe máy các loại, 400 lần khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy. Suốt 16 năm hoạt động, đường Trường Sơn, con đường nối liền hai miền Nam Bắc đã trở thành con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét