ĐÂY LÀ TRANG BLOG GIỚI THIỆU VỀ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA NHỮNG TÀI LIỆU VÀ HÌNH ẢNH TRONG CUỐN LỊCH SỬ BẰNG HÌNH ẢNH DO BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 13 XUẤT BẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

BAN LIÊN LẠC TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG HỌP MẶT KHU VỰC HÀ NỘI VÀ TỔ CHỨC QUYÊN GÓP CỨU TRỢ ĐỒNG ĐỘI CŨ Ở MIỀN TRUNG BỊ THIỆT HẠI DO LŨ LỤT

Ngày 12/12/2010, Ban Liên lạc Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng khu vực Hà Nội tổ chức buổi họp mặt thường kỳ hai năm một lần và tổ chức quyên góp cứu trợ cho các gia đình đồng đội cũ ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua.


Ban Liên lạc Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng khu vực Hà Nội tổ chức buổi họp mặt ngày 12/12/2010

Cũng như mọi lần họp mặt, anh chị em đồng đội bạn chiến đấu cũ một thời hoa lửa với nhau cùng Trung đoàn đều rất mong đợi .Cuộc họp lần này được mong chờ từ lâu và mọi người đều háo hức bởi lẽ lần họp này còn có một nội dung rất quan trọng và đầy ý nghĩa khác với những lần họp mặt trước đây. Đó là việc Ban Liên lạc thông báo tình hình thiệt hại do lũ lụt vừa qua ở các tỉnh miền Trung đối với gia đình các anh chị em đồng đội cũ của Trung đoàn trong đó, đồng thời tổ chức quyên góp tiền cứu trợ gửi vào giúp đỡ họ vượt qua khó khăn với tấm lòng tình cảm của những người lính Trường Sơn năm xưa.
Buổi sáng hôm 12 tiết trời hơi xấu do ảnh hưởng của đợt khí hậu trái mùa với những cơn mưa phùn nhỏ bẩn nhớp nháp , nhưng rồi thời tiết cũng không phụ lòng người, tiết trời sau đó cứ đẹp dần lên, ánh nắng rạng ngời và số anh chị em đồng đội cũ đến họp mặt cũng tăng dần lên. Một số chi hội khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, các chi hội của tỉnh Hà Tây cũ như khu vực Sơn Tây, Hà Đông hay khu vực Bắc Sông Hồng v.v.. cũng về dự họp khá đông tuy Ban Liên lạc chỉ thông báo mời đại diện các chi hội quanh Hà Nội. Tay bắt mặt mừng lâu ngày gặp lại mọi người vui vẻ khi nhận ra ai cũng còn khoẻ mạnh, mặc dù cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại một thời trai trẻ oai hùng với Trường Sơn máu lửa, nay ai cũng đã luống tuổi và giây phút xúc động nhất là khi Ban Liên lạc thông báo có thêm một số đồng đội cũ mới từ trần và cuộc họp được bắt đầu với phút mặc niệm tưởng nhớ những đồng chí nay đã không còn nữa. Rồi những lời thăm hỏi chân tình ríu rít, những sẻ chia thông cảm chân thành mọi người dành cho nhau kéo dài làm cho giờ khai mạc chính thức bị chậm lại. Đặc biệt, trong lần họp này người thân của gia đình đồng chí liệt sĩ Nguyễn Lương Mác cũng nhờ tìm hiểu thông tin qua mạng Internet mà biết được có một buổi họp mặt của Trung đoàn 13 và tìm đến để tìm hiểu thông tin về phần mộ của liệt sĩ Mác mà cho đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy. Cũng tại đây họ đã được chỉ dẫn đến những đồng chí biết được thông tin đó, cụ thể là một đồng đội cũ ở Thái Bình là người đã trực tiếp chôn cất cho liệt sĩ Mác.


Đồng chí Trưởng Ban Liên lạc Phạm Văn Thi công bố nội dung buổi họp và nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc quyên góp cứu trợ đồng đội cũ ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi lũ lụt..
Sau khi đồng chí Trưởng ban Liên lạc Phạm Văn Thi công bố nội dung buổi họp và nhấn mạnh ý nghiã quan trọng của việc quyên góp cứu trợ đồng đội ở miền Trung bị lũ lụt, mọi người hồ hởi chân tình lần lượt gửi một chút ít số tiền có thể để gửi đến các đồng đội cũ và gia đình họ ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua.
Thật bất ngờ khi Ban Liên lạc công bố số tiền ủng hộ có được là trên hai mươi triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với hầu hết anh chị em mà giờ đây hầu hết đã nghỉ hưu hoặc gia đình cũng còn có những khó khăn. Nhưng số tiền đó lại chưa phải là lớn đối với những thiệt hại của các đồng đội cũ và gia đình họ ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua gây ra.


Số tiền quyên góp tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thật lớn lao..
Làm đuợc một việc ý nghĩa như vậy, trước hết phải kể đến là chủ trương của Ban Liên lạc cộng với tinh thần tương thân tương ái, chí nghĩa chí tình của nghĩa tình đồng đội cao cả mà anh chị em sinh hoạt trong Ban Liên lạc Hội tình nghĩa những người bạn chiến đấu cũ của Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ban Liên lạc còn dự kiến sau đây sẽ tổ chức một chuyến xe với thành phần là Ban Liên lạc cùng đại diện các chi hôi ở các tỉnh sẽ vào thăm lại chiến trường xưa nơi khúc ruột miền Trung vừa oằn mình vượt qua cơn lũ lịch sử và đem chút quà cứu trợ quyên góp được kịp thời gửi đến hỗ trợ anh chị em đồng đội cũ quê ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại sau cơn lũ.
Buổi họp mặt kết thúc vui vẻ sau bữa tiệc nhỏ chung vui nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2010) và chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn vào 15 tháng 9 năm 2011 sắp tới.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH BAN LIÊN LẠC TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG THỰC HIỆN CHUYẾN THĂM VÀ TẶNG QUÀ CỨU TRỢ ĐỒNG ĐỘI CŨ TẠI CÁC TỈNH NGHỆ AN - HÀ TĨNH - QUẢNG BÌNH



























Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ



ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN HÙNG VĨ


"Đường mòn Hồ Chí Minh" đã trở thành một con đường nổi tiếng thế giới, trở thành một biểu tượng của tinh thần quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam ta. Đó cũng chính là con đường dẫn dân tộc ta, quân đội ta đi tới trận quyết chiến cuối cùng, tới ngày 30/4 toàn thắng. Đường Trường Sơn đã trở thành một nét son chói lọi trong ký ức của dân tộc ta, trở thành di sản quý giá của lớp lớp những người đi trước để lại, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước..." đã là lời thề của cả một thế hệ. Biết bao người con thân yêu của dân tộc ta đã hy sinh xương máu, hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho con đường để đi tới ngày toàn thắng ấy.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9 (1945-2010) và kỷ niệm 39 năm ngày thành lập và cũng là ngày truyền thống của Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (15/9/1971-15/9/2010), đơn vị mà tôi khi mới vào chiến trường đã được điều động bổ sung quân số đợt đầu tiên lúc mới thành lập.
Nhân dịp này, tôi xin điểm lại ký ức: "Có một thời như thế". Cái ký ức tự hào của một thời trai trẻ với Trung đoàn Anh hùng của một thời "Hoa lửa" hào hùng.




Áo giáp và mũ sắt là trang phục lính xe của tôi những ngày đầu tiên là quân số của Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.


Đến nay, sau hơn 50 năm, lịch sử đã khẳng định đường Trường Sơn là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam; là bước phát triển sáng tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Bởi con đường này chính là khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Khát vọng đó dường như vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người lính đã từng vượt Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Điều đó lại càng rõ hơn trong tôi, người đã từng vượt Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại vào Nam chiến đấu năm nào. Với mỗi người lính đã từng vượt Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong những tháng năm chiến tranh ác liệt thì đó là một phần ký ức không thể nào quên.

"Đường mòn Hồ Chí Minh" là cái tên để gọi tuyến vận tải bí mật của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tuyến đường này bắt đầu hình thành từ tháng 5 năm 1959 do vậy còn có tên là đường 559. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) là đơn vị được giao nhiệm vụ "soi tuyến, mở đường" xây dựng các Binh trạm hậu cần, y tế, công binh, bộ binh, phòng không để duy trì hoạt động của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh đảm bảo nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.




Đội hình xe Gaz-53 của Tiểu đoàn 74 - Trung đoàn ô tô vận tải 13 trong chiến dịch vận chuyển mùa Khô năm 1971-1972.


Trải qua 16 năm (1959 -1975) xây dựng, hình thành, duy trì và mở rộng, tuyến đường đã hoàn thành xuất sắc vai trò sứ mệnh lịch sử của mình. Trong gần 6 nghìn ngày đêm, lực lượng quân sự Mỹ, ngụy đã tập trung huy động một số lượng lớn phương tiện, vũ khí, khí tài chiến tranh tối tân, hiện đại nhất thời bấy giờ trút hàng triệu tấn bom đạn nhằm đánh phá, chặt đứt tuyến đường chi viện của ta. Thậm trí chúng còn sử dụng cả một hệ thống máy móc điện tử để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, còn sử dụng hàng triệu lít chất độc hoá học trong đó có chất độc mầu da cam có chứa DIOXIN để diệt cỏ, làm trụi lá cây; triển khai các dự án tạo mưa và các chất hoá học tạo bùn cũng đã được sử dụng để phá đường... Vì vậy tuyến đường Trường Sơn còn được gọi là "tuyến lửa" với các "toạ độ lửa", cửa tử, các trọng điểm bắn phá, ném bom của máy bay địch.




Cây thu phát nhiệt đới, một thiết bị do thám điện tử của Mỹ được thả xuống từ máy bay và lẫn trong cây rừng rất khó phát hiện.





Máy bay AC-130 bắn phá ngăn chặn các đoàn xe rất hiệu quả bằng vũ khí Laze cảm nhiệt và chất độc hoá học mầu da cam có chứa Dioxin để diệt cỏ và làm trụi lá cây được máy bay Mỹ rải xuống rừng Trường Sơn.


Có những trọng điểm liên tiếp trong nhiều ngày bị máy bay địch bắn phá, ném bom rải thảm. Tuy nhiên, dưới những tán cây rừng, suối sâu, đèo cao ẩn khuất trong mây mù tuyến đường vẫn vươn dài và mở rộng ra các hướng. Bắt đầu từ km số O, thuộc Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), tuyến đường đã xuyên qua các cánh rừng già, phát triển thành một mạng lưới với 5 trục dọc theo sườn Đông và Tây dãy núi Trường Sơn. 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài hơn 17 nghìn km, Nối liền hậu phương lớn miền Bắc tới các chiến trường. Trên tuyến đường đó, suốt ngày đêm, hàng đoàn cán bộ, chiến sỹ nối nhau tiến bước vào tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.


Vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, hồi ấy lớp lính trẻ chúng tôi đã phải vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ. Nhiều khi đứng trước giữa sự sống - cái chết chỉ là lằn ranh giới mong manh. Cuộc hành quân trường kỳ, cứ đêm đi, ngày nghỉ. Đường đi chủ yếu toàn là đèo dốc quanh co, hiểm trở. Cứ lên đến đỉnh núi trập trùng rồi lại tụt xuống. Nơi nào bãi bằng, đoạn đường nào qua bãi trống đều không được đi. Chỗ nào khe suối, đường mòn cũng không được đi bởi đó là những trọng điểm, nơi địch thường xuyên tập trung ném bom, đánh phá. Rừng Trường Sơn âm u, rậm rạp là thế nhưng hầu như chưa bao giờ có đêm. Vì cứ vào khoảng 5 giờ chiều là địch bắt đầu thả pháo sáng. Màn đêm bị xé rách bởi những quầng lửa và tiếng bom dội ầm ì. Bây giờ nghĩ lại, ở các chặng đường chiến tranh mình đã đi qua, lúc đó chỉ thấy có một tinh thần, một khát khao đấu tranh giải phóng dân tộc rất lớn. Cho dù có người bị sốt rét, bị thương, ốm yếu nhưng vẫn cố gắng đi theo đoàn quân tiến về phía trước. Bởi cái khát khao giải phóng và tình cảm anh em trong chiến đấu, giữa sự sống với cái chết không thể nhường bỏ cho ai được. Thậm chí có những người ốm mệt không mang vác được ba lô thì cũng cố gắng chống gậy đi để động viên tinh thần cho đồng chí, đồng đội tiến lên phía trước.




Đội hình xe vượt qua một trọng điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.


Thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường, địch đã tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất hòng chặn đứng và dập tắt ý chí chiến đấu của quân ta bằng những trận ném bom rải thảm. Có thể nói, nước Mỹ có vũ khí gì thì ở Trường Sơn cũng có thứ đó, ngoại trừ bom nguyên tử. Trên tuyến đường Trường Sơn ngoài khó khăn, vất vả về địa hình núi cao, suối sâu thì nguy hiểm thường trực với người lính đó là các loại bom mìn ken đặc dưới mỗi bước chân. Như các loại bom phạt, mìn vướng nổ, bom bi, bom nổ chậm.. Mỗi sơ xảy đều phải trả giá bằng mạng sống.

Có lẽ, chính cái khát khao giải phóng đã trở thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Và con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành con đường huyền thoại về ý chí quyết tâm, về sức mạnh của dân tộc làm cho cả thế giới phải khâm phục, kẻ thù phải khiếp sợ. Suốt 16 năm sau đó, đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi gần 4 triệu tấn bom đạn, hoá chất độc của địch trút xuống, gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ra đời và chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược vô cùng ác liệt - nơi thường xuyên thử thách ý chí, trí tuệ, lòng quả cảm trước vũ khí tối tân của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, mỗi con người về với Trung đoàn 13 đều khát khao cháy bỏng quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần yêu nước đó đã tạo nên sức mạnh lớn lao để Trung đoàn liên tiếp lập được nhiều chiến công rất đáng tự hào trong nhiệm vụ vận chuyển chi viện miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từng bước xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với những thành tích đó, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã trao tặng cho Trung đoàn danh hiệu "Quả đấm thép Trường Sơn; "Cánh Đại bàng từ Bắc vào Nam".. Đặc biệt ngày 31 tháng 12 năm 1973 Trung đoàn thân yêu của tôi vinh dự lớn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.




Đội hình xe của Trung đoàn 13 xuất kích.


Thực tiễn đã chứng minh và lịch sử đã khẳng định, nhiệm vụ xuyên suốt của đường Hồ Chí Minh là thực hành vận tải chi viện chiến lược cho các hướng chiến trường để đánh thắng Mỹ, nguỵ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ nói trên đã diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực có một không hai giữa một bên là Đế quốc Mỹ, kẻ quyết tâm ngăn chặn mọi hoạt động của ta trên đường Trường Sơn bằng đủ loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhất của quân đội Mỹ và một bên là nhân dân và quân đội Việt Nam mà trước hết là Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", không sợ hy sinh, gian khổ, kết hợp với trí thông minh tuyệt vời và nghệ thuật quân sự truyền thống cũng như sáng tạo, lợi dụng mọi sơ hở và chỗ yếu của địch mà tấn công, giành thắng lợi.
Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đuờng ống dẫn xăng dầu, 3.140 km "đường kín"cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.




Hệ thống đường Trường Sơn, 1973-1975


Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 3 vạn người bị thương và mang thương tích chất độc mầu da cam, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hoá bị đánh cháy...
Trong 16 năm, hệ thống cầu đường Trường Sơn đã chuyển đuợc hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn của mình, bộ đội Trường Sơn - đuờng Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đuờng huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh. Trong niềm vinh dự tự hào đó có Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng của tôi. Trung đoàn xe vận tải đầu tiên của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và quân đội được tuyên dương anh hùng. Ngoài ra Trung đoàn còn có Tiểu đoàn 101, đơn vị được hai lần tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hai cá nhân được phong là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Đồng chí Đỗ Văn Chiến và Đinh Văn Đen.
Tuyến đường Trường Sơn đã góp phần quan trọng vào việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nay, tuyến đường huyền thoại năm xưa đang trở thành giao thông huyết mạch thứ 2 góp phần phát triển kinh tế xã hội ở triền phía Tây đất nước




ĐẠI LỘ HỒ CHÍ MINH NGÀY NAY


Tôi rất vui và tự hào bởi giờ đây, trong công tác mới sau ngày rời quân ngũ, tôi đã có may mắn được rất nhiều lần trở lại với tuyến đường, trở lại cái nơi mà một thời trai trẻ oai hùng nơi chiến địa và trở về trong chiến thắng vinh quang của dân tộc, góp phần sức lực nhỏ bé của mình trong sự nghiệp trọng đại của Tổ quốc.
Cứ mỗi dịp như thế này tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại những năm tháng hào hùng đó và cũng không thể nào quên được những hình ảnh thân thương của biết bao đồng đội đã mãi mãi ra đi để cho Tổ quốc này ngàn đời bất diệt. Xin kính cẩn nghiêng mình tri ân trước anh linh họ, những người con vĩ đại của non sông đất nước này./.

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

THĂM LẠI KHE GÁT NƠI TỪNG LÀ CHIẾN TRƯỜNG XƯA

Tôi đứng bên tấm bia di tích Khu vực Khe Gát, nơi này bây giờ là ngã 3 của tuyến Đông Tây đường Hồ Chí Minh hiện đại.


Tôi có dịp trở lại nơi này: Xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong nhiều chuyến công tác của SPERI (Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội) nơi tôi đang làm việc sau ngày tôi rời quân ngũ.

Đổ đèo Đá Đẽo xuôi về hướng Nam có tấm biển xanh bên phải đường ghi chữ: "Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh". Đường Hồ Chí Minh qua đoạn này bỗng như rộng thênh thang hẳn ra gấp ba bốn lần so với toàn tuyến suốt dọc đường. Đi chừng ba kilômét nữa lại thấy một tấm bia đá chữ nhũ vàng sáng loá được xây dựng. Chữ trên bia cho thấy đây là Khe Gát. Phía sau bia là một cây đa to được Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân trồng lưu niệm. Những người từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ qua đất Quảng Bình, địa danh sân bay Khe Gát (thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vốn không xa lạ gì bởi kỳ tích của nó, nhưng không hẳn ai cũng tường tận đuợc những gian nan vất vả, đổ máu hy sinh để có được cái sân bay này cũng như những chi tiết về cái kỳ tích đã đi vào sử sách..
Riêng cái chiến tích được ghi trên tấm bia một cách tóm tắt đã cho thấy dấu ấn sự kiện của nơi này:"Sân bay dã chiến Khe Gát. Nơi đây, từ năm 1969 đến năm 1972, lực lượng không quân đã sử dụng máy bay chiến đấu phản lực để yểm trợ cho tuyến đường Hồ Chí Minh. Riêng ngày 19/4/1972(16 giờ 5'), phi đội MIG-17 của Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) và Lê Xuân Dị đã bắn cháy hai tầu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ".
Để bảo vệ tuyến đường. Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định xây dựng sân bay Khe Gát nhằm đánh chặn, đẩy lùi máy bay, tầu chiến Mỹ không cho chúng có cơ hội chặt đứt tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, tạo điều kiện cho các phương tiện cơ giới vận chuyển khí tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam.
Phải xây dựng sân bay tuyệt đối an toàn, bí mật trong điều kiện do thám, trinh sát của các loại máy bay và phương tiện tối tân như: OV-10, SR-71, cây thu phát nhiệt đới. Nhiệm vụ được giao cho Tiểu đoàn 28 công binh (Nay là Trung đoàn 28 công binh không quân).
Khi bắt đầu xây dựng, những phương tiện, thiết bị chuyên dụng như: Xe lu. xe cẩu, máy húc, xe gạt.. đều được tháo rời từ hậu phương chở từng bộ phận vào đến hiện trường mới được lắp ráp lại. Thời gian thi công được bắt đầu từ lúc xẩm tối cho đến lúc chạng vạng sáng. Làm đến đâu, thu dọn hiện trường và nguỵ trang đến đó.
Qua 7 tháng trời ròng rã trong gió Lào, nắng bỏng, mưa rét, bão lũ, lương thực, thực phẩm thiếu thốn mọi bề. Sân bay Khe Gát với đường băng bằng đất nện dài hơn 2 cây số đã hoàn thành.
Có được sân bay, đưa được máy bay vào đây tập kết mới là bài toán khó. Cấp trên quyết định thời điểm tốt nhất, an toàn nhất cho máy bay hạ cánh là lúc trời nhập nhoạng tối để tránh gặp máy bay địch.
Ngày 18/4/1972, lúc 15 giờ 45 phút, sở chỉ huy Binh chủng và Trung đoàn 923 tổ chức cho hai phi công là Lê Hồng Điệp và Từ Đễ lái hai chiếc MIG-17 từ sân bay Kép về sân bay Gia Lâm rồi vào sân bay Vinh. Từ Vinh, để đảm bảo bí mật, an toàn, sở chỉ huy dẫn đường cho từng chiếc một bay vào sân bay Khe Gát. Chiếc thứ nhất hạ cánh, chiếc thứ hai mới xuất phát. Chỉ một ngày sau, hai chiếc máy bay được kiểm tra kỹ thuật và lắp ráp bom, chuẩn bị sẵn sàng xuất trận..
Lúc 16 giờ ngày 16/4/1972, trạm rada đối hải 403 đặt ở cửa biển Nhật Lệ phát tín hiệu có một tốp tầu chiến của Hạm đội 7 Mỹ, xuất hiện ở phía Đông, cách cửa biển Nhật Lệ 18 km.
Biên đội do Lê Xuân Dị làm biên đội trưởng ở vị trí số 1, Trung uý Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) ở vị trí số 2 được lệnh báo động cấp 1, vào vị trí chiến đấu. Năm phút sau, lệnh xuất phát được truyền tới biên đội, hai chiếc máy bay MIG-17 nối đuôi nhau lần lượt cất cánh.
Mục tiêu đã nằm trọn trong tầm ngắm. Bốn quả bom rời thân máy bay rơi trúng đích. Hai tầu khu trục trúng bom bị hỏng, trong đó có tầu HEGBEE gần như bị tê liệt hẳn. Từ khi xuất kích cho đến khi hai chiếc máy bay trở về đến sân bay Khe Gát an toàn, chỉ mất đúng 17 phút, được ghi vào lịch sử của Binh chủng.
Đây là lần đầu tiên Không quân Việt Nam sử dụng máy bay tiêm kích đánh trọng thương tầu khu trục hạm của Mỹ trên Biển Đông. Trận đánh 17 phút thần kỳ đó đã khiến cho Hạm đội 7 của Mỹ không còn dám nghênh ngang vào gần bờ gây tội ác và buộc phải ngừng đánh phá vào đất liền hàng tuần lễ sau đó.
Trận đánh khởi đầu 17 phút lịch sử này mở ra khả năng chiến đấu mới của lực lượng không quân, đặt tiền đề quan trọng để quân đội xây dựng lực lượng tiêm kích bom sau này. Đó là điều không phải ai cũng biết khi đi ngang qua địa danh lịch sử này, giờ đã phôi phai dấu tích.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 TỔ CHỨC BUỔI GẶP MẶT VÀ LỄ PHÁT HÀNH CUỐN SÁCH ẢNH LỊCH SỬ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG


Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2008) và 35 năm ngày thành lập Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ngày 20 tháng 12 năm 2008, Ban Liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn tổ chức buổi họp mặt và làm Lễ phát hành cuốn sách ảnh lịch sử "Trung đoàn ô tô vận tải 13 - Những năm tháng hào hùng".

Trong ảnh: Anh chị em cựu chiến binh, đồng đội cũ của Trung đoàn vui vẻ thăm hỏi nhau trong ngày họp mặt.


Ấn phẩm xuất bản mới của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân: Cuốn sách ảnh lịch sử "Trung đoàn ô tô vận tải 13 - Những năm tháng hào hùng" do Ban Liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn, ấn hành và tổ chức Lễ phát hành ngày 20 tháng 12 năm 2008..



Đồng chí Trưởng ban Liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng: Phạm Văn Thi, nguyên là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn xúc động khi công bố chính thức phát hành cuốn sách ảnh "Lịch sử Trung đoàn ô tô vận tải 13 - Những năm tháng hào hùng". Một cuốn sách ảnh sinh động và hiếm có đối với lịch sử một đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam mà ít có những đơn vị khác có được. Nội dung sách là những hình ảnh ghi lại được những hoạt động, những sự kiện từ những ngày Trung đoàn mới thành lập cũng như trong những ngày chiến tranh ác liệt trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và cả những hoạt động tình nghĩa của những anh chị em cựu chiến binh, đồng đội cũ của Trung đoàn trong khuôn khổ Ban Liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn. Cũng trong dịp này Đồng chí còn giới thiệu tất cả những ấn phẩm do Ban Liên lạc đã xuất bản trong suốt thời gian Ban Liên lạc hoạt động, đồng chí cũng đánh giá cao những đóng góp xương máu của anh em đồng đội trước đây đã viết nên những trang sử vẻ vang của Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng, cũng như những đóng góp của những người có công sưu tầm, biên soạn và xây dựng nên ấn phẩm mới nhất lần này. Quan trọng nhất là những đóng góp tự nguyện một khoản tài chính không nhỏ cho công trình này mà Ban Liên lạc đã làm được khi mà giờ đây Trung đoàn đã giải thể không còn nguồn kinh phí nào và không hề thu phí từ bất cứ anh chị em nào, ngược lại còn in một số lượng không ít gửi tặng cho tất cả anh chị em cựu chiến binh, đồng đội cũ của Trung đoàn, cho dù họ ở những địa phương xa như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình..



Buổi họp mặt anh em cựu chiến binh, bạn chiến đấu cũ một thời vẻ vang của Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hàng năm diễn ra đều đặn mang lại những tình cảm sâu nặng của nghĩa tình đồng đội trong những năm tháng trước đây xuyên suốt tới cuộc sống đời thường hôm nay, nhất là trong dịp Ban Liên lạc Trung đoàn tổ chức Lễ phát hành thêm cuốn lịch sử bằng hình ảnh về những trang sử truyền thống của Trung đoàn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ vẻ vang hào hùng của dân tộc..



Sách được trao cho các đồng chí đại diện cho các Chi hội của Ban Liên lạc Trung đoàn ở các địa phương để mang về cho anh em đồng đội cũ của Trung đoàn ở các tỉnh.











Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

KỶ NIỆM SÂU SẮC TRONG ĐỜI QUÂN NGŨ


Tôi vẽ tranh về hoạt động của Trung đoàn tại một trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá trên đường Trường Sơn năm xưa tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Ban Liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn 13 vào thăm Đại tướng (Tháng 5 - 1997). Đại tướng xúc động và nói rằng: "Tranh đồng chí vẽ rất đẹp và rất chân thực. Nhìn tranh tôi nhớ đây là đường 20 Quyết thắng, nơi tôi đã từng đến khi vào thị sát chiến trường trên tuyến đường Hồ Chí Minh". Lần đó là niềm tự hào và là một kỷ niêm sâu sắc nhất trong đời quân ngũ của tôi.