ĐÂY LÀ TRANG BLOG GIỚI THIỆU VỀ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA NHỮNG TÀI LIỆU VÀ HÌNH ẢNH TRONG CUỐN LỊCH SỬ BẰNG HÌNH ẢNH DO BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 13 XUẤT BẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

BÀI VIẾT VỀ PGS.TS. ĐẠI TÁ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN 19/8 BỘ CÔNG AN TRẦN MINH ĐẠO (NGUYÊN LÀ CHIẾN SĨ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG)

LẶNG LẼ ĐỜI THƯỜNG

   Nếu nói đến một vị phó giáo sư, tiến sĩ, lại đương chức giám đốc một bệnh viện lớn, hẳn nhiều người sẽ hình dung đến một trí tuệ uyên bác được xây đắp từ con đường tu nghiệp ở nước ngoài, từ cuộc sống trong phòng thí nghiệm sáng choang với phong thái cao sang của giới trí thức... Nhưng có một vị phó giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện đã dám khước từ con đường tu nghiệp trải thảm ở nước ngoài ngay từ khi rời ghế nhà trường phổ thông và ở lại bên những người bệnh là thương binh, dân nghèo, thậm chí là phạm nhân..., để rồi ông phải "chống" tụt hậu bằng cách kiên trì, bền bỉ tìm thầy để học nâng cao chuyên môn, phải quyết tâm học tiếng Anh ở cái tuổi rất khó dung nạp ngoại ngữ... Ông chọn cho mình con đường đi lên gập ghềnh, vất vả hơn nhiều so với những bạn bè đồng nghiệp, giống như cây lúa chẳng chê mảnh đất cằn quê hương ông để mặn mòi lớn lên. Nhưng cuối cùng, với nghị lực phi thường và những hy sinh thầm lặng, người bác sĩ mặc áo lính "gốc rạ nhà quê" ấy vẫn chạm tới đích đến là chinh phục những kỹ thuật khó, hiện đại trong ngành y với phương châm hết lòng vì người bệnh. Ông là PGS.TS, Đại tá Trần Minh Đạo, Giám đốc Bệnh viện 198 - Bộ Công an.



PGS.TS, Đại tá Trần Minh Đạo, Giám đốc Bệnh viện 198 - Bộ Công an.
   Chối từ con đường du học để trở thành bác sĩ của dân
   17 tuổi, tốt nghiệp cấp 3 xuất sắc, đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài - trái ngọt đầu đời ấy từ xưa cho tới nay vẫn là ước mơ cháy bỏng và niềm tự hào khôn tả của biết bao học sinh và các bậc làm cha làm mẹ. Với cậu thanh niên Trần Minh Đạo ngày ấy, đó cũng là niềm vui mừng khôn xiết bởi cậu sắp được thỏa ước mơ nghiên cứu khoa học cháy bỏng và còn bởi đó là thành quả học tập bền bỉ suốt những năm tháng tuổi thơ cơ cực nơi vùng quê nghèo bom đạn Thanh Chương - Nghệ An. Thế nhưng cha cậu - ông Trần Thiệu khi ấy còn đương chức Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh, vừa nghe tin đã cắt phép đột xuất về yêu cầu nhà trường hủy quyết định đi học nước ngoài của con mình và nói với cậu: "Con dừng ngay việc đi nước ngoài học tập. Chiến tranh đang ác liệt, Tổ quốc cần những người như con ra trận, con nên gác bút nghiên lại và viết đơn xung phong ra trận con ạ". Hành động quyết đoán và bất ngờ của người cha là sỹ quan mẫu mực, trọn đời "Sống, làm việc và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", đã hình thành trong cậu thanh niên Trần Minh Đạo một lý tưởng sống cao đẹp, đó là biết hy sinh và dành trọn nhiệt huyết cho nhân dân, cho Cách mạng. Thay vì đi du học, chàng trai 17 tuổi Trần Minh Đạo xung phong nhập ngũ. Kết thúc khoá huấn luyện 3 tháng, Quân khu định giữ ông lại để đào tạo sỹ quan, nhưng một lần nữa, cha cậu đã đến đơn vị trực tiếp can thiệp để cho con trai mình "được" đi chiến đấu ở chiến trường B. Nếu đem câu chuyện cha cậu - ông Trần Thiệu, người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Bộ Công an, nhưng rất nhiều lần ra tay "can thiệp" để con mình không hưởng vinh hoa phú quý, không về trung ương, mà lăn lộn cùng người dân nghèo ở địa phương, thì hẳn nhiều người sẽ thấy khó tin đến xót xa. Nhưng chính tấm gương mẫu mực của người cha từng nhiều đêm mất ngủ vì thương con, từng nuốt nước mắt vào trong để viết những câu thơ động viên con: "Mười năm đèn sách đã thành công/Đáp lời Đảng gọi giữ non sông/Xếp bút mau, con ra tuyến lửa/Diệt thù xâm lược khỏi trời Đông/Trời Đông trong sáng rực cờ hồng/Bố đón con về kể chiến công/Trung hiếu nghĩa tình con làm trọn/Xứng trai quê Bác bố vui lòng", đã giúp cho bác sĩ Trần Minh Đạo có được tính cách quyết liệt, vươn lên không ngừng chinh phục kỹ thuật chuyên môn trong ngành y và phương châm hết lòng vì người bệnh trong suốt cuộc đời mình.
   Khi chiến tranh kết thúc, cậu thanh niên Trần Minh Đạo rời khỏi chiến trường B sau khi đã trải qua những cơn sốt rét ác tính, nếm đủ chông gai từ các mặt trận ác liệt Quảng Trị, Nam Lào, BT34, BT52... trên đất bạn Campuchia. Với nhiều chiến công xuất sắc, khi Hiệp định Pari được ký kết, ông là một trong hai chiến sĩ Quyết thắng của Trung đoàn 13 được cử ra Bắc ôn thi đại học. Dù chỉ trải qua một thời gian ngắn dùi mài kinh sử, ông vẫn thi đỗ Đại học Quân y với số điểm cao (24 điểm). Năm 1979, vừa tốt nghiệp Đại học Quân y sau 6 năm học tập miệt mài thì chiến tranh Biên giới xảy ra, bác sĩ trẻ Trần Minh Đạo lại khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ tại các đơn vị của Quân khu 9 (biên giới phía Tây Nam) và Bệnh viện dã chiến 85 của Cục Quân y tại các tỉnh biên giới phía Bắc.


PGS. TS Trần Minh Đạo ân cần thăm hỏi bệnh nhân
 chạy thận ở Bệnh viện 198
   Trận địa không tiếng súng
   Quãng thời gian từ năm 1980 đến năm 1984, rất nhiều người dân ở khu vực Dữu Lâu, Thậm Thình, Việt Trì... (Phú Thọ), gần Bệnh viện dã chiến 85, vẫn còn nhớ tên bác sĩ Đạo. Ngày ấy, ngoài công việc ở bệnh viện, cứ thấy có người dân gọi, chẳng ngại đêm hôm, đường xá xa xôi, bác sĩ Đạo đến nhà tận tình thăm khám. Họ chưa thấy vị bác sĩ ngoại khoa nào chịu đến tận nhà dân làm nhiệm vụ "bà đỡ". Có lúc đang họp Đảng ở cơ quan, có ca sinh khó, bác sĩ Đạo vội vàng bỏ họp đi ngay. Trong điều kiện bệnh viện dã chiến thiếu thốn đủ mọi thứ, có lần, thương bệnh nhân bị liệt cột sống đau đớn, khó chịu, bác sĩ Đạo dùng tay không găng móc phân cho bệnh nhân... Những công việc thầm lặng như thế, hẳn sẽ không được ghi vào bảng thành tích cá nhân, mà chỉ có thể làm bằng tình yêu thương và sẻ chia thật lòng với người bệnh.
   Năm 1984, vì hoàn cảnh gia đình, cha công tác bên Lào, mẹ bệnh nặng, bác sĩ Trần Minh Đạo xin chuyển công tác về Công an tỉnh Nghệ an và được tổ chức phân công về Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Một mình là bác sĩ nơi trại giam với hầu hết bệnh nhân là phạm nhân, nhiều người vào trại mang theo bệnh tật hiểm nghèo, cơ sở vật chất lại chưa có gì, bác sĩ Đạo đã vận dụng hết kiến thức và khả năng sáng tạo để cứu chữa, nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Ông huy động tất cả mọi người dọn vệ sinh, đảm bảo môi trường sạch sẽ để tránh phát sinh, lây lan bệnh dịch, tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Đặc biệt, ông có sáng kiến xây dựng bệnh xá ngay trong trại, với sự hỗ trợ của các phạm nhân từng là bác sĩ, các y tá của trại và y tá là phạm nhân. Ông tìm tòi thêm các cách chữa bệnh từ Đông y, tận dụng ngay cây, con quanh trại để chữa bệnh, như trồng 3 ha cây đương quy, nấu cao hổ, cao voi, cấy chỉ vào cạnh cột sống để chữa hen... Nhờ thế, bệnh tật của phạm nhân giảm đi đáng kể, nhất là thể trạng được nâng cao. Với tấm lòng thương yêu người bệnh không phân biệt sang hèn, kể cả người đã mất quyền công dân. Có lần, gặp phạm nhân bị lao phổi chuyển thành áp xe, vỡ tung lồng ngực. Biết là bệnh nhân không thể qua khỏi, nhưng sắp đến ngày phạm nhân được tha tù, "nghĩa tử là nghĩa tận", không đành lòng để bệnh nhân chết trong trại, bác sĩ Đạo nghĩ ra cách cắt ni lông dán che phủ lồng ngực bệnh nhân để khỏi tràn khí màng phổi. Sau đó, phạm nhân ấy đã được ra tù và ra đi trong vòng tay gia đình. Có phạm nhân nữ mang thai, ông tự mình đỡ đẻ và nuôi nấng, chăm sóc cháu bé chu đáo như tất cả các cháu bé khác.
   Có một kỷ niệm rất giản dị nhưng làm chúng tôi cảm nhận được sự cao quý của nghề y. Đấy là một lần tình cờ trên đường, giữa lúc trời mưa, gặp một cháu bé 6 tháng tuổi tím tái, ngừng thở (do cháu bị viêm phổi, gia đình đã đốt thuốc phiện quá liều), ông vội vàng cấp cứu thổi ngạt, tiêm thuốc cứu sống cháu bé và bắt xe để gia đình đưa cháu đến điều trị tiếp ở Bệnh viện huyện Thanh Chương, Nghệ An. Xong việc, ông lại tiếp tục chuyến đi công tác, chẳng hề nghĩ đến ơn huệ hay đòi hỏi điều gì từ gia đình cháu bé. Tết năm đó, bố mẹ cháu bé lặn lội tìm hỏi bằng được nhà bác sĩ Đạo để cảm ơn, nhưng lúc đó bác sĩ không có nhà mà chỉ có cha ông. Hẳn người cha mẫu mực ấy sẽ cảm thấy ấm lòng và tự hào, bởi không uổng công ông nuôi dạy, rèn dũa một người con trai biết sống hiếu nghĩa trên đời! Bao năm làm nghề y, bác sĩ Trần Minh Đạo tự nhủ một điều tâm huyết: "Trận địa của người thầy thuốc không lừng lẫy như trận địa của các tướng lĩnh binh đoàn, nhưng với người thầy thuốc bình thường với kiến thức hiểu biết của mình, có thể cứu  người bệnh thoát khỏi lưỡi hái của thần chết, thì niềm vui của họ khác nào các tướng lĩnh binh đoàn".    
   Chinh phục kỹ thuật khó
   Sau thời gian công tác ở Trại giam số 6, bác sĩ Trần Minh Đạo được điều chuyển về Bệnh viện 198 của Bộ Công an. Với khao khát học tập nâng cao chuyên môn bấy lâu chưa thỏa, ông kiên trì, bền bỉ, tìm tới những bậc cao niên trong nghề để học hỏi, không ngại cả việc xin học dự thính hay nhẫn nại thuyết phục thầy "chịu" nhận mình làm học trò. Ông tiếp tục hoàn thành chuyên khoa cấp I Ngoại tại Đại học Y Hà Nội. Sau đó, năm 1993 ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trước Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia với đề tài "Góp phần nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư dạ dày vùng hang môn vị" và trở thành người cán bộ đầu tiên của Bệnh viện 198 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong nước.
   Vươn lên từ những khó khăn không dễ chia sẻ của đời sống riêng tư, những thăng trầm có lúc nghiệt ngã tưởng như không vượt qua nổi, ông lặng lẽ tu dưỡng chuyên môn, được tin tưởng bổ nhiệm giữ cương vị từ Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp đến Giám đốc Bệnh viện 198, tiếp tục học Bác sĩ chuyên khoa cấp II Ngoại khoa, hoàn thành 5 đề tài khoa học cấp Bộ, 2 đề tài khoa học cấp cơ sở, hơn 60 công trình nghiên cứu khác được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, xuất bản 2 cuốn sách "Những bệnh hiếm gặp" và "Ung thư dạ dày- Một cách nhìn tổng thể, một cách tiếp cận mới", là giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Quân y, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật nội soi Việt Nam, hội viên Hội Ngoại khoa Việt Nam và được phong chức danh Phó giáo sư. Đặc biệt, để mình không bị tụt hậu, năm 2007, ông tốt nghiệp văn bằng 2 hệ chính quy Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Anh khi đã bước sang tuổi... 54.
   Trên cương vị giám đốc, PGS.TS. Trần Minh Đạo quyết tâm nâng tầm Bệnh viện 198 lên ngang bằng với các bệnh viện phát triển về ngoại khoa. Ông chọn mũi nhọn, chuẩn bị cả con người lẫn trang thiết bị trong nhiều năm. Xóa đi thành kiến Bệnh viện 198 chỉ là bệnh viện ngành, từ năm 2008 đến nay, đã có 6 ca ghép thận được thực hiện thành công. Đặc biệt, Bệnh viện 198 là bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy thận để ghép. Không dừng lại ở đó, PGS.TS. Trần Minh Đạo còn quyết tâm tiến tới thành lập 5 trung tâm chuyên khoa: ung bướu, huyết học - truyền máu; tim mạch, kỹ thuật cao và chỉ đạo tuyến, tiến tới ứng dụng nhiều kỹ thuật khó như xét nghiệm gen, mổ nội soi kết hợp mổ tim mở, thay van tim, ghép tuỷ... Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 2/2010, Đại tá - PGS.TS. Trần Minh Đạo vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc nhân dân.



   Đường đường là một vị giám đốc, vậy mà mỗi sáng sớm, PGS.TS, Đại tá Trần Minh Đạo lại đi bộ hoặc đi... xe bus đến bệnh viện. Cương vị của ông hoàn toàn có thể được xe đưa đón, nhưng vì luôn đến cơ quan vào lúc 6 giờ, ông không muốn để lái xe phải vất vả dậy sớm theo mình. Sống ở Hà Nội đã 25 năm, nhưng ông vẫn giữ phong thái của người con xứ Nghệ, rất bình dị nhưng quyết liệt và không ngừng tiến lên, "sống như thể sau lưng là vực thẳm". Ông không quên những thầy cô ở trường huyện nghèo Thanh Chương, nên luôn vận động bạn bè đóng góp để thầy cô được nhập viện miễn phí khi đau yếu và tự tay mình thực hành phẫu thuật. Khi nhà ở xa bệnh viện, ông tự đi xe máy vào viện mổ cấp cứu, đợi ôtô đến đón thì rất có thể bệnh nhân sẽ chết, có lúc vừa mổ xong, phóng xe về đến nhà thì có điện thoại bệnh viện gọi, ông lại xách xe quay lại ngay... Từ bác sĩ tận tụy xuống nhà dân nơi bệnh viện dã chiến năm xưa, về Hà Nội, ông thành bác sĩ của khu phố, cứ có người gọi, dù giữa đêm khuya hay tiết trời giá rét, ông không nề hà tới thăm khám và cương quyết không nhận tiền thù lao. Ông ghi trong lòng chúng tôi một dấu ấn bình dị đúng như danh hiệu cao quý mà ông được trao tặng - người thầy thuốc của nhân dân. 


Bài đăng trên Báo Công an nhân dân


XỨNG DANH NGƯỜI THẦY THUỐC NHÂN DÂN

Dáng người thấp đậm, nói nhanh, làm việc nhanh, cái chất giọng và tính cách đậm đặc của người miền Trung xứ Nghệ khiến cho Đại tá - PGS-TS Trần Minh Đạo- Giám đốc Bệnh viện 198 của Bộ Công an dẫu có sống đến cả cuộc đời mình ở Thủ đô Hà Nội, có thành danh tới đâu, làm công tác nghiên cứu khoa học với học hàm học vị thì lạ chưa, mỗi lần ông xuất hiện, cất tiếng vẫn chẳng thể trộn lẫn vào ai, vào đâu được cái chất riêng dung dị, mộc mạc của những người đàn ông sinh ra nơi dải đất "cày lên sỏi đá" của Nghệ - Tĩnh.


   Hổ phụ sinh hổ tử
   Đại tá PGS-TS Trần Minh Đạo là con trai thứ ba trong gia đình, cha đẻ của ông chính là ông Trần Thiệu, nguyên Trưởng ty Công an Nghệ - Tĩnh, Trưởng đoàn chuyên gia Công an nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, nguyên Cục trưởng Cục Vật tư kỹ thuật Bộ Công an Việt Nam, một tấm gương cộng sản kiên trung mẫu mực, một người sỹ quan Công an suốt một cuộc đời chỉ tâm niệm thực hiện cho trọn một lý tưởng: "Sống, làm việc và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Ông Trần Thiệu từng được Báo CAND và ANTG giới thiệu chân dung: "Vị tướng không đeo quân hàm". Có một người cha mẫu mực như vậy, từ nhỏ, Trần  Minh Đạo đã được dạy dỗ chuẩn mực và nghiêm khắc.
   Tuổi thơ của Trần Minh Đạo gian khổ và cơ cực như hầu hết những đứa trẻ miền Trung hiếu học sinh ra nơi túi bom đạn của những năm tháng chiến tranh. Những kỷ niệm về người cha đặc biệt không lúc nào mờ phai trong tâm trí của Đại tá Trần Minh Đạo. Kỷ niệm khắc ghi đầu tiên, mở đầu cho một cuộc đời của cậu thanh niên trẻ Trần Minh Đạo một lý tưởng sống, một tâm hồn đẹp, một tấm lòng nhiệt huyết cho cách mạng, đó là năm ông 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3 xuất sắc, cậu thanh niên ưu tú Trần Minh Đạo đủ tiêu chuẩn để ra nước ngoài học tập.
   Niềm vui mừng khôn xiết vì được đi học tiếp và phấn đấu cho những ước mơ nghiên cứu khoa học trong tuổi thơ của mình chưa kịp cháy bùng lên thì chính cha anh, ông Trần Thiệu lúc ấy đang đương chức Trưởng ty Công an Nghệ - Tĩnh đã cắt phép đột xuất về qua trường yêu cầu nhà trường hủy quyết định đi học nước ngoài của con và ghé qua nhà thăm con chỉ để nói với con trai rằng: "Con dừng ngay việc đi nước ngoài học tập. Chiến tranh đang ác liệt, Tổ quốc cần những người như con ra trận, con nên gác bút nghiên lại và viết đơn xung phong ra trận con ạ".
   Nghe lời cha, Trần Minh Đạo xung phong nhập ngũ. Kết thúc khoá huấn luyện 3 tháng, Quân khu định giữ ông lại để đào tạo sỹ quan, nhưng cha ông đã đến đơn vị trực tiếp can thiệp để cho con trai mình được đi chiến đấu ở chiến trường B. Ngày đó, đi B thật là thiêng liêng, dẫu biết rằng nơi chiến trường vô cùng ác liệt và gian khổ. Biết vậy nhưng lời cha đã khuyên dạy, ông không thể tỏ ra yếu đuối, sợ hãi hay làm thất vọng niềm tự hào của cha mình về con trai.



Cha con PGS. TS Trần Minh Đạo

   Trước ngày đi B, Trần Minh Đạo nhận được bức thư của cha viết rằng: "Cha có thể vì bận công việc không đến tiễn con đi B được, đừng chờ, con đi mạnh giỏi, cha chờ tin chiến thắng của con". Thế nhưng, vào phút cuối cùng trước khi lên đường hành quân, cha ông đã đến, chỉ để ngồi thật yên lặng bên con trai, đọc cho con trai nghe bài thơ ông viết trong những đêm mất ngủ vì thương con, vì phải nuốt nước mắt vào trong để động viên con: "Mười năm đèn sách đã thành công/ Đáp lời Đảng gọi giữ non sông/ Xếp bút mau, con ra tuyến lửa/ Diệt thù xâm lược khỏi trời Đông/ Trời Đông trong sáng rực cờ hồng/ Bố đón con về kể chiến công/ Trung hiếu nghĩa tình con làm trọn/ Xứng trai quê Bác bố vui lòng".
   Cuộc đời vất vả gian lao
   Đi B theo nguyện vọng của cha, Trần Minh Đạo vào Trung đoàn 13 Bộ đội Trường Sơn, và xung phong vào các mặt trận ác liệt như: Quảng Trị, Nam Lào và vào tận BT34, BT52… trên đất bạn Campuchia. Thời gian cầm súng chiến đấu, ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc được tặng Huân chương Chiến công giải phóng và danh hiệu chiến sỹ Quyết thắng, được thăng quân hàm vượt cấp từ Binh nhất lên Trung sỹ, và được kết nạp vào Đảng. Đến khi Hiệp định Pari được ký kết, ông là một trong 2 chiến sỹ Quyết thắng của Trung đoàn 13 được cử ra Bắc ôn thi đại học. Sau một thời gian dài không dùi mài đèn sách vì bận đi chiến đấu, thế nhưng khi thi vào Đại học Quân y, ông đã đỗ cao với 24 điểm và chính thức trở thành sinh viên của Đại học Quân y.
   6 năm trời khổ luyện học hành thành tài, năm 1979 vừa tốt nghiệp Đại học Quân y ra trường thì thời điểm chiến tranh Biên giới xảy ra, Trần Minh Đạo lại cùng với đồng đội khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ tại các đơn vị của Quân khu 9 (biên giới phía Tây Nam) và Bệnh viện dã chiến 85 của Cục Quân y tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Từ năm 1979 cho đến năm 1984, công việc của một bác sỹ ở địa bàn miền núi tận biên giới phía Bắc vô cùng gian lao, vất vả nhưng không vì thế mà làm mất đi nhiệt huyết của người say mê làm công tác khoa học.
   Năm 1984, do hoàn cảnh gia đình, bố ông, ông Trần Thiệu, lúc này được lãnh đạo Bộ Công an giao trách nhiệm làm Trưởng đoàn chuyên gia Công an Việt Nam tại Lào, mẹ ốm nặng nên nguyện vọng xin chuyển ngành về Bộ Công an và được phân công về làm bác sỹ tại Trại giam số 6 huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An.
   Hơn 10 năm gắn bó với Trại giam Công an số 6, đối tượng bệnh nhân hằng ngày của ông chính là những phạm nhân. Chính tấm lòng với bệnh nhân, sự tận tình chu đáo của một người đã giúp cho bác sỹ Trần Minh Đạo có những nỗ lực vượt bậc trên con đường sự nghiệp của mình. Năm 1985, ông được chuyển về công tác tại Bệnh viện 198 của Bộ Công an. Với cương vị là bác sỹ ngoại khoa, ông đã trực tiếp tham gia mổ và cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đem lại niềm vui cho người bệnh và được nhân dân yêu thương, mến phục. Năm 1987, ông tiếp tục hoàn thành chuyên khoa cấp I Ngoại tại Đại học Y Hà Nội.
   Năm 1988, ông dự tuyển nghiên cứu sinh tại Học viện Quân y và đã đỗ với số điểm cao. Sau 5 năm làm việc và nghiên cứu, ngày 9/10/1993 ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ trước Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia với đề tài: "Góp phần nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư dạ dày vùng hang môn vị" và trở thành người cán bộ đầu tiên của Bệnh viện 198 bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ trong nước.
   Điểm đáng nói ở đây là trong thời gian này, vợ đi vắng 2 năm, một mình ông vừa nuôi 2 con nhỏ, vừa làm nghiên cứu sinh, và trong số 3 cán bộ của Viện 198 cùng đi bảo vệ thì chỉ mình ông là bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ. Đây là một nỗ lực lớn trong cuộc đời nhiều nỗ lực vươn lên của Đại tá, PGS-TS Trần Minh Đạo. Từ đó, thành công nối tiếp thành công. Năm 1986 ông được bổ nhiệm Phó khoa, năm 1987 lên Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp. Năm 2001 được bổ nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện 198, đồng thời được Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cấp bằng Bác sỹ chuyên khoa cấp II Ngoại khoa.
   Cũng từ năm 1995 đến nay, Đại tá, PGS-TS Trần Minh Đạo đã hoàn thành 5 đề tài khoa học cấp Bộ, 2 đề tài khoa học cấp cơ sở, hơn 60 công trình nghiên cứu khác được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, viết và xuất bản được 2 quyển sách tài liệu quý "Những bệnh hiếm gặp" xuất bản năm 2002, và cuốn: "Ung thư dạ dày- Một cách nhìn tổng thể, 1 cách tiếp cận mới" của NXB Y học phát hành năm 2008.
   Vừa làm công tác quản lý và cả công tác chuyên môn tại Bệnh viện 198, ông còn là giáo viên kiêm nhiệm của bộ môn Ngoại bụng Học viện Quân y, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật nội soi Việt Nam, hội viên Hội Ngoại khoa Việt Nam. Năm 2005, bác sỹ Trần Minh Đạo vinh dự được Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư. Năm 2007, ông tốt nghiệp văn bằng 2 hệ chính quy Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh khi bước sang 54 tuổi.




PGS. TS Trần Minh Đạo luôn trực tiếp thăm khám, điều trị và chú ý đến sự phát triển của Bệnh viện.

   Xứng danh người thầy thuốc nhân dân
   Với một sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2009 Đại tá Trần Minh Đạo được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện 198 của Bộ Công an. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã nhanh chóng triển khai công tác ghép thận tại bệnh viện. Chỉ trong vòng 1 năm, Bệnh viện 198 đã mổ 5 ca ghép thận thành công.
Điều quan trọng nhất là Bệnh viện 198 là bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công kỹ thuật mới trong mổ ghép thận, đấy là kỹ thuật nội soi để lấy thận ghép. Về thành tích này, cuối năm 2009, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích triển khai ghép thận tại Bệnh viện 198. Tháng 2/2010, Đại tá-PGS-TS Trần Minh Đạo vô cùng vinh dự khi được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, phần thưởng cao quý nhất của ngành Y.
   Trong niềm vui được chính đích danh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tận tay danh hiệu cao quý này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với PGS-TS Trần Minh Đạo. Ông xúc động tâm sự: "Đây là phần thưởng vô giá, cao quý nhất trong cuộc đời hoạt động nghề y của tôi, đồng thời cũng là một phần thưởng của các cán bộ tập thể Bệnh viện 198 đã tín nhiệm dành cho tôi, là công lao của gia đình, cha mẹ, dạy dỗ tôi nên người. Thực tế những thành quả mà Bệnh viện 198 có được như hôm nay phải biết ơn tới sự quan tâm ưu ái của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục. Bộ Công an đã dành cho bệnh viện một dự án phát triển tổng thể của bệnh viện, đồng thời dành một dự án ODA của chính phủ viện trợ trang thiết bị y tế, và dự án ghép thận giúp chúng tôi vừa triển khai thành công.
   Trong năm 2010, chúng tôi sẽ đẩy nhanh kế hoạch thành lập 4 trung tâm: Đó là Trung tâm Huyết học và truyền máu; Trung tâm Tim mạch; Trung tâm Vật lý trị liệu… Hiện nay theo phê duyệt của Bộ thì chúng tôi sẽ tiến hành thành lập 2 trung tâm đó là Trung tâm Huyết học và truyền máu và Trung tâm Tim mạch. Nếu điều kiện cho phép thì tới đây, Bệnh viện 198 sẽ tiến hành ca ghép tuỷ đầu tiên tại bệnh viện”.
   Thay lời kết
   Say sưa nói về những dự định, những việc làm sắp tới với một nhịp độ khẩn trương, nhanh nhẹn của người làm công tác ngoại khoa, Đại tá, PGS-TS Trần Minh Đạo, thỉnh thoảng lại cười, nụ cười giòn tan với những thanh âm thoải mái, khỏe khoắn.
   Phút trầm ngâm, ông lại kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm cũ về người cha đã khuất của mình: "Có rất nhiều kỷ niệm về cha dành cho tôi trong công tác giáo dục con cái. Nhưng có một kỷ niệm tôi chưa bao giờ kể, đó là năm 1985-1988 tôi được cử đi học ở Cộng hoà Liên bang Đức để nâng cao tay nghề, quá trình học tập đó, tôi được sự tín nhiệm của cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện Việt - Đức và các giáo sư đầu ngành. Trong một lần nói chuyện với giáo sư Đỗ Đức Vân là thầy tôi, thầy nói có thể thầy sẽ nhận tôi về Bệnh viện Việt - Đức.
   Tôi đem buổi trò chuyện ấy ra kể lại với cha tôi, cha tôi nghiêm mặt lại và mắng tôi thế này: "Cậu là người ăn cháo đái bát. Bộ Công an đã xin cậu về, cậu đi học thành tài là để về giúp cho bệnh viện của Bộ, thế mà cậu lại định đi nơi khác làm việc hả". Sau lần ấy, tôi rút ra thêm được bài học lớn nữa về nhân cách của người chiến sỹ Công an nhân dân từ người cha già của mình. Đây cũng là bài học nằm lòng về việc giáo dục cho cán bộ chiến sỹ Công an hiện nay khi đứng trước những thử thách của cuộc sống, những cám dỗ từ nền kinh tế thị trường. Tôi thường xuyên nhắc nhở, răn dạy và truyền lại cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ là quân lính của tôi hiện đang công tác tại Bệnh viện 198.
   Là một người đứng đầu đơn vị, việc giáo dục chính trị, tư tưởng, với trách nhiệm của một Bí thư Đảng uỷ cơ quan thì mình phải làm gương cho cán bộ chiến sỹ, ngoài cái chung là giáo dục tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, nâng cao y đức, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì tôi giáo dục chiến sỹ tấm lòng trung thực, trung thực với chính mình, trung thực trong công việc, có ý chí tiến công trong cuộc đời và trong sự nghiệp công tác nghiên cứu khoa học. Mình là người chiến sỹ Công an trên mặt trận y tế, mỗi một người phải tự rèn giũa, phấn đấu để đạt được danh hiệu cao quý nhất, đó là danh hiệu: "Người thầy thuốc nhân dân"

Bài đăng trên Báo Tiền Phong




BÀI VIẾT VỀ ANH HÙNG LAO ĐỘNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI: ĐOÀN XUÂN TIẾP (NGUYÊN LÀ CHIẾN SĨ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG)


NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH DÁM NGHĨ DÁM LÀM

“Hạnh phúc của những thương bệnh binh và người khuyết tật cũng chính là hạnh phúc của mình”. Với quan niệm như vậy, ông Đoàn Xuân Tiếp - cựu chiến binh Trung đoàn 13 - Đoàn 559 Trường Sơn năm xưa luôn cố gắng làm hết sức mình để giúp đỡ những người không may mắn…



   Nhiều người khuyết tật và thương bệnh binh hiện đang sinh sống cũng như làm việc tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh không ai là không biết tới công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc và người đứng ra thành lập công ty này là ông Đoàn Xuân Tiếp. Là một thương binh, sau 19 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Đoàn Xuân Tiếp trở về quê hương và cảm thấy se sắt lòng khi nhận ra nền kinh tế của địa phương mình chậm phát triển, đời sống của người dân còn nghèo. Đối với những người khuyết tật và thương binh nặng thì càng khó khăn và vất vả hơn nhiều. Mang trên mình nhiều thương tật sau khi từ chiến trường trở về, ông Tiếp trăn trở tìm ra một cái nghề, một hướng đi để vực dậy cuộc sống không chỉ mong thoát nghèo mà còn phải tiến tới ổn định thu nhập và làm giàu. Tháng 6/1996, được sự giúp đỡ của UBND tỉnh Hải Dương, đặc biệt là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc được thành lập tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh do ông Tiếp chỉ đạo.
   Với mục đích dạy nghề miễn phí và tạo việc làm ổn định tại chỗ cho thương binh và người khuyết tật, trung tâm đi vào hoạt động từ ngày 14/9/1996. Khoá đầu tiên ông Tiếp tổ chức dạy nghề chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ cho 60 học viên. Trung tâm đã gặp không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất đến cơ chế hoạt động ban đầu. Khó khăn hơn nữa là công tác đào tạo nghề cho các học viên khuyết tật, trình độ văn hoá thấp hoặc không có, lại thường mặc cảm, tự ti với số phận. Chính vì vậy, các thày cô giáo khi giảng bài phải hết sức nhẹ nhàng.
   Với lòng nhiệt tình, kiên trì, nhẫn nại, ông Đoàn Xuân Tiếp từng bước thuyết phục được những người khuyết tật, thương bệnh binh. Ông tin vào khả năng của họ và tin vào hướng đi mà mình đã chọn. Trong quá trình dạy nghề và tiếp xúc với những người khuyết tật, ông Tiếp đã khám phá và giúp cho những người khuyết tật có cơ hội phát huy tài năng, bộc lộ năng khiếu. Không phụ lòng người chèo lái, 60 học viên khoá đầu tiên ra nghề đều đạt trình độ khá giỏi và họ được nhận vào làm việc ngay tại trung tâm, có chỗ ăn ở nội trú và không phải trả tiền điện nước sinh hoạt, với mức thu nhập trung bình từ 600.000-800.000 đồng/người/tháng (năm 1996). Có việc làm, thu nhập và được quan tâm cả đến đời sống tinh thần, người khuyết tật phấn khởi càng thêm tự tin, hoà nhập với cộng đồng. Điều đáng nói là sản phẩm của họ làm ra đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng quốc tế đánh giá cao.
   Mái ấm của những người khuyết tật và thương binh
   Nhận thấy cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và thương binh ngày càng phát triển ông Đoàn Xuân Tiếp quyết định đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thêm ngành nghề, đưa trung tâm lên thành công ty. Từ năm 1997 đến nay, công ty liên tục phối hợp với hai Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh tổ chức 8 lớp dạy nghề cho hơn 600 công nhân, trong đó đa số là người khuyết tật. Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc đã trở thành một mô hình trong lĩnh vực dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Hiện nay, số công nhân được bố trí việc làm tại công ty là hơn 600 người, trong đó thương bệnh binh và người khuyết tật gần 340 người (chiếm 57%), với mức lương bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài dạy nghề, công ty còn tổ chức cho người khuyết tật và thương bệnh binh học văn hoá, ngoại ngữ; tham quan giao lưu học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài… Nhờ sự quan tâm và sự giúp đỡ của những giáo viên trong công ty, đã có 45 học viên thành thạo 2-3 ngoại ngữ.
   Trong điều hành, quản lý, ông Đoàn Xuân Tiếp luôn suy nghĩ, tìm tòi các biện pháp mở rộng cơ sở sản xuất, ngành nghề và tìm thị trường để duy trì cũng như phát triển mô hình hoạt động của công ty với mong muốn ngày càng có nhiều người khuyết tật được học nghề và có việc làm. Từ một trung tâm nhân đạo quy mô nhỏ bé. Đến nay, với sự điều hành, năng động của ông Tiếp và sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên, công ty đã từng bước đi lên và ngày càng phát triển.
   Không dừng lại ở đó, với tâm niệm “tất cả vì cuộc sống của những người khuyết tật và những thương bệnh binh” và bằng thực tế qua 10 năm sử dụng nguồn lao động đặc biệt này, tháng 9/2004, ông Tiếp quyết định “đột phá” một bước đi táo bạo bằng một sự đầu tư lớn là thành lập thêm công ty Chân-Thiện-Mỹ, trụ sở đặt trên phố Ngọc Hà, Hà Nội. Công ty có hai khu nhà xưởng: Một tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh (Hải Dương) trên khuôn viên 5,7ha và một phân xưởng tại xã Châu Phong, Quế Võ (Bắc Ninh) trên diện tích 4,1ha. Dự kiến đến năm 2010 sẽ có trên 1.000 lao động khuyết tật được đào tạo và bố trí việc làm.
   Ngoài đào tạo để giúp đỡ những người khuyết tật, thương binh có việc làm, ông Đoàn Xuân Tiếp còn quan tâm tới hạnh phúc riêng của những người khuyết tật. Ban chấp hành công đoàn công ty giúp đỡ, làm đám cưới cho 17 cặp vợ chồng là công nhân khuyết tật của công ty và 15 người khuyết tật khác kết hôn với người ngoài công ty, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho họ. Đến nay, tất cả đều có cuộc sống hạnh phúc. Đã có 11 cháu bé được sinh ra từ mái ấm của các cặp vợ chồng khuyết tật, được công ty phối hợp với gia đình quan tâm chăm sóc chu đáo. Vì vậy, người lao động coi công ty như ngôi nhà chung của họ.
   Từ năm 2000 đến nay, công ty đã phối hợp với một tổ chức Phi Chính phủ Mỹ tổ chức phẫu thuật chỉnh hình miễn phí 2 đợt cho 17 người khuyết tật tại bệnh viện Tình Thương Nam Định và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương và Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam tổ chức cấp 6 xe lăn miễn phí cho người khuyết tật. Công ty cũng đã tham gia 8 cuộc hội chợ việc làm, trong đó có 3 hội chợ việc làm dành cho người khuyết tật.
Qua quá trình hoạt động nhân đạo của mình, ông Đoàn Xuân Tiếp đã nhận được rất nhiều động viên khen thưởng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương. Mô hình sản xuất kinh doanh của công ty đã được khách nước ngoài và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm, ghi nhận và đánh giá cao; đồng thời luôn nhận được sự động viên, cổ vũ của các cấp, các ngành. Gần đây nhất, ông vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.




   Là người năng động, dám nghĩ, dám làm, say mê tìm tòi, sáng tạo, ông Đoàn Xuân Tiếp khẳng định: Người khuyết tật hoàn toàn có khả năng làm ra sản phẩm cho xã hội, tự nuôi sống được mình, giúp đỡ cho gia đình và xã hội chứ không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội nếu như xã hội tạo điều kiện giúp đỡ họ. Với những gì đã và đang làm được, ông Đoàn Xuân Tiếp cũng chỉ nhận mình là “đòn bẩy cho những khả năng tiềm ẩn của những người khuyết tật được phát huy”.

Xem Video Clip về AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp theo đường Link sau:
 http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=ZTTxD7DJfSY

Bài đăng trên: Chương trình Người Đương Thời - Ban thanh thiếu niên (VTV6) 
Đài Truyền hình Việt Nam.



NƠI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TÌM THẤY NIỀM TIN



   Đào tạo nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn khó gấp bội. Vậy mà trong số gần 600 CN đang làm việc ở Cty TNHH Hồng Ngọc của ông Đoàn Xuân Tiếp, có tới 338 người khuyết tật, còn lại hầu hết là thương binh.
   Những con người này tàn nhưng không phế, bởi họ có sự giúp sức của ông Tiếp.
   Tìm việc cho người tàn tật
Kể về những ngày đầu mở Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc để dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật, thương binh, ông GĐ Đoàn Xuân Tiếp cho biết: Đấy là công việc hoàn toàn mới lạ, bởi những con người này sức khoẻ thường rất kém do người hỏng giác quan này, người trục trặc phần thân thể kia..., thậm chí ngay các sinh hoạt cá nhân hàng ngày cũng không tự làm nổi.
   Đã thế, những học viên lại có nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều người còn không biết đọc, biết viết nên việc tiếp thu lý thuyết, thực hành rất khó khăn. Nhưng theo ông Tiếp, khó khăn nhất là các học viên thường mặc cảm, tự ti với hoàn cảnh của mình nên sẵn sàng bỏ học, do đó việc dạy nghề cho người khuyết tật càng trở nên phức tạp.
   Nói về lý do chọn việc dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người tàn tật, thương binh..., ông Tiếp cho biết: Khi rời quân ngũ trở về quê hương, thấy LĐ dư thừa rất nhiều, nhất là anh chị em thương binh và người khuyết tật rất khó tìm việc làm để cải thiện cuộc sống. Nhiều người phải sống lay lắt và chỉ lặng lẽ trông chờ vào đồng tiền cứu trợ, vào sự thương cảm cưu mang của người thân và xã hội nên không ít người có tâm trạng buồn chán, mặc cảm nặng nề...
   Bởi thế, tôi quyết tâm tìm cách giúp anh chị em có thể làm việc tự nuôi sống mình. Cũng từ lý do đó mà Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc được ra đời từ tháng 6.1996 tại thị trấn Sao Đỏ, tỉnh Hải Dương. Kể về những ngày đầu, ông Tiếp cho biết việc làm của ông đã bị không ít người "dò xét". Không ít người đã nói thẳng với ông: "Mở trung tâm này để nhằm mục đích gì?". Chỉ đến khi thấy trung tâm làm ăn phát đạt, không phải nhận hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế... mọi mặc cảm mới xoá nhoà.
   Mái ấm cho những người khuyết tật
   Những ngày đầu thành lập, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc mới chỉ đủ sức tiếp nhận 60 học viên. Sau 9 tháng đào tạo nghề thủ công, tất cả số học viên này đã trở thành CN làm việc tại trung tâm với mức lương khởi điểm 300.000đ/tháng. Nhưng điều đáng quý, suốt quá trình học tập và làm việc tại đây, ông Tiếp đã tạo điều kiện giúp anh chị em thương binh và những người khuyết tật được bố trí ăn nghỉ miễn phí nên những con người này có cơ hội hoà nhập cộng đồng.
   Không dừng lại ở những nghề chạm khắc gỗ, đá, dệt thổ cẩm..., ông Tiếp đã nghiên cứu mở rộng sản xuất sang các nghề thêu ren, thêu tranh nghệ thuật, may, sơn mài, kim hoàn, gốm... là những việc làm phù hợp với khả năng làm việc của người khuyết tật. Chọn được hướng đi đúng, sản phẩm của CN khuyết tật đủ sức cạnh tranh trên thị trường và được khách du lịch ưa chuộng.
   10 năm phát triển, đến nay Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc đã trở thành Cty TNHH Hồng Ngọc với số LĐ lên tới 597 người, mà trong đó hầu hết là những người khuyết tật. Với sự tiếp sức của Cty, họ không còn phải dựa vào cứu trợ của xã hội, không còn là người sống thừa, mà họ đang được làm việc bằng chính sức LĐ và tài năng của mình với mức thu nhập ổn định của nhiều người lên tới 850.000đ/tháng, thậm chí có những người đạt mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng nên tự lo được cho cuộc sống bản thân và còn giúp đỡ cha mẹ, nuôi em ăn học... 100% NLĐ trong Cty được đóng BHXH, BHYT và được hưởng các chế độ chính sách.
   Trong môi trường đầy ắp tình thương của Cty Hồng Ngọc cùng vị GĐ Đoàn Xuân Tiếp, 17 cặp vợ chồng là những CN khuyết tật trong Cty đã thành hôn với sự giúp đỡ tạo điều kiện vật chất và tinh thần, đến nay đã có 11 cháu bé ra đời trong vòng tay nhân ái của những người lãnh đạo Cty. Không còn mặc cảm là những người khuyết tật, 15 CN của Cty cũng đã kết hôn với những người ở bên ngoài Cty và họ đều được hưởng sự quan tâm giúp đỡ của Cty. Về điều này, nhiều anh chị em đều nói: "Giờ đây, mọi người đều coi Cty như ngôi nhà chung của mình để tự giác làm việc xây ngôi nhà chung ngày một lớn hơn, đông vui hơn".
   Còn với ông GĐ Đoàn Xuân Tiếp, giờ đây ông vẫn đang miệt mài đi xây những mái ấm mới cho những người khuyết tật. Được biết, ông Tiếp đã mở thêm Cty Chân Thiện Mỹ tại tỉnh Bắc Ninh; Cty cổ phần Việt Sơn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và Cty cổ phần Chân Thiện Mỹ ở tỉnh Yên Bái để nhận những người khuyết tật vào làm. Nói về việc làm của mình, ông Tiếp chỉ nói: "Tôi vẫn là bộ đội Trường Sơn mà".
Bài đăng trên Báo Lao động online

NGƯỜI KHƠI BÀY TIỀM NĂNG TỪ NHỮNG CUỘC ĐỜI TÀN PHẾ

   Bỏ ngoài tai lời bình luận là gàn dở, ác mồm hơn là 'đâm đầu vào ngõ cụt', ông cứ âm thầm dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật. Đến nay khi đã là chủ của 2 doanh nghiệp mỹ nghệ, ông chỉ khiêm tốn nhận mình là đòn bẩy để khơi dậy khả năng tiềm ẩn từ những người kém may mắn.





   Ông là Đoàn Xuân Tiếp, Giám đốc hai công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc (Hải Dương) và Chân - Thiện - Mỹ (Bắc Ninh). Tại hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội, ông là 1 trong số 64 người bảo trợ được tôn vinh.
Sau 19 năm trở về từ quân ngũ, cựu chiến binh Đoàn 559 năm xưa không khỏi se lòng khi thấy quê hương nghèo quá. Cuộc sống của những người khuyết tật, trong đó có cả đồng đội từng chiến đấu cùng ông, quá chật vật. "Tôi quyết tìm cho họ một cái nghề để mong thoát nghèo", ông Đoàn Xuân Tiếp giải thích lý do mở Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc (thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Hải Dương), chuyên dạy nghề miễn phí cho thương binh và người khuyết tật.
   Năm 1996, khi khai sinh trung tâm dạy nghề, ông Tiếp đã gặp rất nhiều khó khăn. Học viên khuyết tật vốn trình độ văn hóa thấp, đầy mặc cảm tự ti, nên để dạy nghề cho họ là cả một bài toán nan giải. Thêm nữa, sự cạnh tranh quyết liệt của kinh tế thị trường, ánh mắt nghi ngại của cán bộ địa phương khi thấy ông lao vào lĩnh vực mà ai cũng muốn tránh xa, khiến ông nhiều lúc muốn buông xuôi. 
   Sau thời gian trầy trật xoay xở, sự kiên trì đã giúp ông tìm được "lối đi" vào lòng người khuyết tật. 60 học viên khóa chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ đầu tiên được nhận vào trung tâm làm việc đã cho sản phẩm, được thị trường chấp nhận. Nhiều học viên bị liệt hai chân, tay co rút, vốn trở thành gánh nặng cho gia đình, thì ở thời điểm năm 1996-2000 đã có thể kiếm được 500.000 đồng mỗi tháng.
   "Thành công bước đầu cho tôi sự tự tin vào con đường đã chọn, tin vào khả năng người khuyết tật", ông tâm sự. Đến nay, ông đã mở được 8 lớp dạy nghề cho hơn 600 học viên, phần đông là người khuyết tật. Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc đã tạo việc làm cho 600 người, trong đó thương bệnh binh và người khuyết tật là 388, với mức lương tháng bình quân 1 triệu đồng/người. Tháng 9/2004, ông thành lập thêm Công ty Chân - Thiện - Mỹ tại Bắc Ninh.
Là chủ 2 doanh nghiệp mỹ nghệ, chuyên cung cấp các mặt hàng thêu may, sơn mài, gốm, chế tác đá mỹ nghệ, trang sức bán khắp và ngoài nước, nhưng ông chủ Tiếp vẫn rất giản dị. Ông bảo không thể ra oai, quát tháo nhân viên được, mà phải vừa như người anh thủ thỉ tâm tình, vừa kiêm cả bảo mẫu, lo chỗ ăn, chỗ ở, vui chơi cho họ. "Người khuyết tật rất dễ mặc cảm, nếu không quan tâm chu đáo, cư xử không khéo, họ sẽ không tập trung làm việc", ông giải thích.
   Hằng ngày xuống thăm xưởng sản xuất, ông chủ Tiếp cứ băn khoăn khi bắt gặp ánh mắt buồn xa xăm của nhiều công nhân. Sau này, ông hiểu họ đang rất khao khát tình cảm lứa đôi, nhưng vì mặc cảm tật nguyền nên cố co mình lại. Ban chấp hành Công đoàn công ty sau đó được lệnh phải giúp đỡ công nhân. Đến nay, công ty đã tác thành cho 17 cặp vợ chồng là công nhân khuyết tật và 15 người khuyết tật của công ty với người bên ngoài. Đã có 11 cháu bé được sinh ra từ những mái ấm của cặp vợ chồng khuyết tật.
Nhìn chồng tất bật xuôi nam ngược bắc, rồi lại bôn ba ở nước ngoài tìm đầu ra cho sản phẩm, bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông cứ thấp thỏm. "Ông ấy trông to khỏe, nhưng bệnh tật đầy người, nào huyết áp thấp, tiểu đường, tim. Nói thật, tôi chỉ sợ ông ấy chết vì làm việc quá sức", bà tâm sự. Nhưng bà cũng không dám ngăn cản chồng, bởi bà biết tính ông đã quyết tâm làm cái gì thì làm bằng được.
   Hiện nay bà cũng như các con của ông đang giúp ông phát triển hai công ty, phấn đấu đến năm 2010 sẽ tạo việc làm cho trên 1.000 người khuyết tật. Ông Tiếp tâm sự thành công của ông hôm nay là nhờ người khuyết tật. 11 năm dạy nghề và tạo việc làm cho họ, ông khẳng định họ hoàn toàn tự nuôi sống mình, đóng góp cho gia đình và xã hội nếu như xã hội tạo điều kiện giúp đỡ.
   "Tôi chỉ xin làm đòn bẩy cho những khả năng tiềm ẩn của họ được phát huy", ông nói.

Bài đăng trên Báo điện tử vnexpress 

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

BÀI VIẾT VỀ ANH HÙNG LÁI XE ĐỖ VĂN CHIẾN


NGƯỜI ANH HÙNG CỦA "TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH"


(Viết về Anh hùng LLVTND Giu - se Đỗ Văn Chiến)


 
 Anh  hùng  LLVTND Giu-se Đỗ  Văn  Chiến  chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 Trong “Thư chung” năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định “Đồng hành cùng dân tộc để xây dựng hạnh phúc của đồng bào”. Hay nói như linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tại hội thảo khoa học “25 năm đón nhận “Thư chung” 1980” rằng: “Trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam”...
Thật vậy, trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc đã có biết bao người Công giáo xả thân vì dân tộc. Riêng trong kháng chiến chống Mỹ đã có 4 thanh niên Công giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong số đó có một Anh hùng đã làm xúc động Nhà thơ Phạm Tiến Duật và là nguồn cảm hứng để ra đời bài thơ “Tiểu đội xe không kính”. Những câu thơ “Xe không kính, không phải vì xe không có kính...” là thực tế sống động được phản ánh từ những hành động phi thường của Anh hùng Đỗ Văn Chiến.
Có lẽ, với tất cả những ai sống trong thời kì kháng chiến chống Mỹ - chỉ cần theo dõi... “nhà đài” chút thôi, cũng đã biết đến tên tuổi Anh hùng LLVTND anh Giu-se Đỗ Văn Chiến thuộc Trung đội 3 - Đại đội 2 - Tiểu đoàn 101 - Binh trạm 31- Binh đoàn 559 (được các nhà báo viết nhiều đăng, phát trên các phương tiện trong giai đoạn đó), người chiến sỹ trẻ cống hiến xuất sắc, liên tục trong khoảng 1.000 ngày đêm trên chiến trường máu lửa. Nay tôi tìm đọc lại những trang báo (in vào những năm 1969) như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Chính nghĩa (nay là báo Người Công giáo Việt Nam), thậm chí cả một số báo chí nước ngoài... đều đồng loạt loan tin: người chiến sỹ Công giáo Đỗ Văn Chiến hoàn thành nhiệm vụ lên đến 300%... Nghĩa là việc hoàn thành cao nhất của một người chiến sỹ chỉ vận tải 3 đêm/1 chuyến (chỉ tiêu đơn vị giao), nhưng với người chiến sỹ trẻ Công giáo này là 3 đêm/ 3 chuyến và nhiều lần liều mình cứu cả đoàn xe chở hàng thoát khỏi đạn, bom của địch…
Anh sinh ra tại giáo họ Thánh Giu-se, giáo xứ Liên Phú (Hải Đông - Hải Hậu - Nam Định). Tháng 9-1966, khi vợ anh mang bầu đứa con đầu lòng, sắp đến ngày ở cữ thì anh lên đường tòng quân. Do nhu cầu cấp bách của chiến trường anh được điều sang nước bạn Lào, làm công tác vận chuyển quân lương vào chiến trường miền Nam. Nơi anh làm nhiệm vụ vận tải là trọng điểm máu lửa Xeng Phan (tỉnh Khăm Muộn), điểm yết hầu trên đường vận tải quân lương của bộ đội ta. Nắm rõ điều đó địch ném bom không ngớt cả ngày lẫn đêm hết sức ác liệt. Nhưng người thanh niên công giáo ấy đã kiên cường bám trụ suốt 3 năm, không một đêm nào vận chuyển dưới hai chuyến - đưa hàng đi đến nơi về đến chốn. Tháng cao điểm, anh em bị thương nhiều, anh tự nguyện “một người làm việc bằng ba”, thậm chí trên cả ba, anh vận tải đến 32 chuyến/ tháng...
Ngày 22-12-1969, một ngày đáng ghi nhớ với đơn vị và cá nhân Đỗ Văn Chiến, anh được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý nhất đối với người chiến sỹ quân đội - Anh hùng LLVTND. Tiểu đoàn anh được gọi là Tiểu đoàn “Đại bàng xanh”, cá nhân anh được gọi là “Con chim đầu đàn của tiểu đoàn Đại bàng xanh, chuyên vượt bão lửa Xeng Phan”. Sau này, anh đã vinh dự được cử sang trường Thanh niên (Liên Xô cũ) học tập, rồi về nước trải qua các chức vụ ở từ trung đội, rồi đến Trưởng ban Thanh Niên - Tổng cục Hậu Cần. Ở đâu anh cũng gương mẫu phấn đấu miệt mài. Sau 27 năm lên tục cống hiến cho quân đội, Anh hùng LLVTND, người thanh niên công giáo Đỗ Văn Chiến đã về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Rồi ông được giới thiệu tham gia giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam; Ủy viên TƯ Hội CCB Việt Nam khóa hai và ba...
Mới đây, tới thăm ông trong khu tập thể Vĩnh Tuy - Hà Nội, tôi được ông “tiết lộ” thêm một kỉ niệm thời chiến đấu mà ít người biết đến, cũng bởi ông khiêm tốn không muốn kể nhiều về mình. Ông kể: “Đêm 24-2-1968, trả hàng xong, tôi cùng đồng chí Diếp là lái phụ đi đầu đoàn lái xe ra bị bom tọa độ đánh trúng vào đầu xe. Tôi và đồng chí Diếp cùng bị thương. Tôi bị đứt một ngón tay thứ tư (bàn tay phải), còn dính ít da, đồng chí Diếp bị thương vào tay trái. Tôi bảo đồng chí Diếp là giật đứt ngón tay vứt ra để anh em cùng lái xe với hai cánh tay còn lại. Chúng tôi đã đi qua trọng điểm 7 cây số  vào nơi an toàn, giải phóng cho đoàn xe phía sau. Sau đó anh em Công binh mới đưa chúng tôi vào điều trị ở bệnh xá Đội 14 Trường Sơn”. Tổng cộng có đến 5 lần bị thương, giám định thương tật mất 48% sức khỏe, hiện trong người ông còn nhiều mảnh đạn chưa được lấy ra...
Chưa hết, có một điều thật thú vị là: Chính chiếc xe Din 3 cầu 157 BKS: TS1-132 (TS1 là Trường Sơn 1) bị bom đánh trúng, cháy ca-bin, vỡ hết kính ông vẫn khắc phục đưa vào vận hành, phục vụ chiến đấu tốt... Điều này đã làm xúc động nhà thơ Phạm Tiến Duật và bài thơ “Tiểu đội xe không kính” đã ra đời trong hoàn cảnh này. Câu thơ “Xe không kính, không phải vì xe không có kính...” là thực tế sống động được phản ánh từ hành động phi thường của Anh hùng Đỗ Văn Chiến.
Vào thời kỳ đó, không chỉ có nhà thơ Phạm Tiến Duật (đã khuất) mà còn có cả các nhà thơ, nhà văn, nhà báo như: Bằng Việt, Bằng Khoa, Trọng Khoát, Lê Lựu, Nguyễn Trần Thiết... nhiều lần “xin” ngồi trên chiếc xe đó để lấy cảm xúc thực của bộ đội Trường Sơn.
Thời chiến ông là chiến sỹ lái xe trong chiến trường - đối mặt với quân thù. Thời bình ông luôn luôn là công dân mẫu mực, dũng cảm đấu tranh với những hành vi phạm tội, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Với nếp sống chính trực, luôn tận tụy vì mọi người, Giu-se Đỗ Văn Chiến luôn giành được tình cảm quý trọng của nhân dân trong khu tập thể Viện 108, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà con khu phố, anh chị em ở Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam đều có  một nhận xét chung  về  ông:  Đúng là cái chất Anh hùng thì thời nào cũng Anh hùng.

"ĐẠI BÀNG XANH"  VƯỢT BÃO LỬA XENG PHAN

Trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã có biết bao tấm gương xả thân vì sự trường tồn của dân tộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong số ấy có Anh hùng đã khiến Nhà thơ Phạm Tiến Duật phải xúc động và là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời bài thơ “Tiểu đội xe không kính”. Đó là hành động phi thường của Anh hùng Đỗ Văn Chiến.


Anh hùng Đỗ Văn Chiến cùng đồng đội trước giờ xuất kích

Có lẽ với tất cả những ai đã sống trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng biết đến tên tuổi Anh hùng LLVT nhân dân - anh Giu-se Đỗ Văn Chiến thuộc Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 31, Đoàn 559 - người chiến sĩ trẻ cống hiến xuất sắc, liên tục trong khoảng 1.000 ngày đêm trên tuyến đường máu lửa. Nay tôi tìm đọc lại những trang báo (in vào những năm 1969) như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Chính nghĩa (báo Người Công giáo Việt Nam ngày nay), thậm chí cả một số báo chí nước ngoài... đều đồng loạt loan tin: Người chiến sĩ Công giáo Đỗ Văn Chiến hoàn thành nhiệm vụ lên đến 300%... Nghĩa là việc hoàn thành cao nhất của một người chiến sĩ chỉ vận tải 3 đêm/1 chuyến (chỉ tiêu đơn vị giao), nhưng người chiến sĩ trẻ người Công giáo này đã thực hiện 3 đêm/3 chuyến và nhiều lần dũng cảm cứu cả đoàn xe chở hàng thoát khỏi đạn, bom của địch…
Đỗ Văn Chiến sinh ra tại giáo họ Thánh Giu-se, giáo xứ Liên Phú (Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định). Tháng 9-1966, khi vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng (nay chị là đại tá đang phục vụ trong quân đội), sắp đến ngày ở cữ thì anh lên đường nhập ngũ. "Gọi là lính thời chiến... mà em" - Đỗ Văn Chiến nói. Anh được huấn luyện "qua loa" rồi được điều thẳng sang nước bạn Lào, làm công tác vận chuyển quân lương vào giải phóng miền Nam.
Nơi anh vận tải là trọng điểm máu lửa Xeng Phan (tỉnh Khăm Muộn) - điểm yết hầu vận tải quân lương của bộ đội ta. Nắm rõ điều đó nên địch ném bom không ngớt cả ngày lẫn đêm. Người, xe, đạn dược, lương thực... của bộ đội ta thiệt hại không sao kể xiết! Nhưng người thanh niên này vẫn kiên cường trong 3 năm, không đêm nào vận tải dưới hai chuyến - đưa hàng đi đến nơi, về đến chốn. Tháng cao điểm, anh em bị thương nhiều, anh tự nguyện “một người làm việc bằng ba”, thậm chí trên cả ba, anh vận tải đến 32 chuyến/tháng... Ngày 22-12-1969, một ngày vẻ vang chung của cả đơn vị và cá nhân anh - Đỗ Văn Chiến được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tiểu đoàn anh được mệnh danh là "Tiểu đoàn Đại bàng xanh", cá nhân anh được mệnh danh "Con chim đầu đàn của tiểu đoàn Đại bàng xanh, chuyên vượt bão lửa Xeng Phan". Nhờ những chiến công đó, anh đã vinh dự được cử sang Trường Thanh niên (Liên Xô cũ) học tập.
Về nước, trải qua các chức vụ từ trung đội, rồi lên đến Trưởng ban Thanh niên, Tổng cục Hậu cần, ở đâu anh cũng gương mẫu, phấn đấu miệt mài. Sau 27 năm liên tục cống hiến Đỗ Văn Chiến về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Rồi anh được giới thiệu tham gia giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam khóa 2 và 3...
Trong cuộc tiếp phóng viên chương trình Đời sống Tôn giáo của Đài Tiếng nói Việt Nammới đây, tại nhà riêng khu tập thể Vĩnh Tuy - Hà Nội, anh tiết lộ thêm một kỷ niệm thời chiến đấu mà ít người biết đến, âu cũng là do anh khiêm tốn không muốn kể nhiều về mình. Anh kể: “Đêm 24-2-1968, trả hàng xong, tôi cùng đồng chí Diếp là lái phụ dẫn đầu đoàn xe trên đường đi ra thì bị bom tọa độ đánh trúng vào đầu xe. Tôi và đồng chí Diếp cùng bị thương. Tôi bị đứt một ngón tay thứ tư (bàn tay phải), còn dính ít da, đồng chí Diếp bị thương vào tay trái. Tôi bảo đồng đội giật đứt ngón tay và anh em cùng lái xe với hai cánh tay còn lại. Chúng tôi đã đi qua trọng điểm 7 cây số vào nơi an toàn, giải phóng cho cả đoàn xe phía sau. Sau đó, anh em công binh mới đưa chúng tôi vào điều trị ở Bệnh xá đội 14, Trường Sơn.
Tổng cộng anh Chiến bị thương đến 5 lần, giám định thương tật mất 48% sức khỏe, hiện trong người còn nhiều viên bi của bom bi chưa được lấy ra… Có một điều thật thú vị nữa là: Chính chiếc xe Zin 3 cầu 157 BKS: TS1-132 bị bom đánh trúng, cháy ca-bin, vỡ hết kính, đã được anh khắc phục vận hành, chiến đấu tốt... đã làm xúc động nhà thơ Phạm Tiến Duật và bài thơ “Tiểu đội xe không kính” đã ra đời trong hoàn cảnh này. Theo anh Chiến thì ngày đó còn có cả các nhà báo, nhà thơ, nhà văn như: Nguyễn Trần Thiết, Bằng Việt, Bằng Khoa, Trọng Khoát, Lê Lựu... nhiều lần “xin” ngồi đi trên chiếc xe đó để lấy cảm xúc thực của Bộ đội Trường Sơn.
Thời chiến là người lái xe trong chiến trường - đối mặt với quân thù, nay thời bình anh là một người lái xe ôm thực thụ, đối mặt với những ngang trái diễn ra trên đường phố. Nhiều con nghiện đã phát khiếp khi nhìn thấy “ông xe ôm” là một đại tá đứng bên chiếc xe Ju-pi-tơ BKS: 33M4-6002 tại ngã ba khu tập thể Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đã có lần, một mình ông già xe ôm này “xơi tái” cả chục tên lưu manh... Gọi là hành nghề xe ôm chứ thực ra có đến già nửa thời gian ông đứng đó làm nhiệm vụ của một người dân phòng (tự phong) để giữ gìn ANTT khu phố. Bà con khu phố, anh chị em ở Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đều có chung một nhận xét về ông: Đúng là cái chất Anh hùng thì thời nào cũng Anh hùng.


Thời chiến ông là chiến sỹ lái xe trong chiến trường - đối mặt với quân thù. Thời bình ông luôn luôn là công dân mẫu mực, dũng cảm đấu tranh với những hành vi phạm tội, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Với nếp sống chính trực, luôn tận tụy vì mọi người, Giu-se Đỗ Văn Chiến luôn giành được tình cảm quý trọng của nhân dân trong khu tập thể Viện 108, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà con khu phố, anh chị em ở Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam đều có  một nhận xét chung  về  ông:  Đúng là cái chất Anh hùng thì thời nào cũng Anh hùng.






Bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân điện tử

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

HỘI TÌNH NGHĨA TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - CHI HỘI HẢI PHÒNG & QUẢNG NINH HỌP MẶT (20/5/2012)

   Theo tinh thần thống nhất tại lần họp trước ở Thủy Nguyên - Hải phòng ngày 17 tháng 9 năm 2011 giữa hai Chi hội Hải Phòng với Chi hội Quảng Ninh. Ngày 20 tháng 5 năm 2012 Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của hai Chi hội đã tiến hành tổ chức cuộc họp mặt chung đồng đội cũ. Cuộc họp lần này là cuộc họp luân phiên của hai địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh diễn ra tai Biểu Nghi - Thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Buổi họp này có sự góp mặt của đồng chí Trưởng ban liên lạc toàn Trung đoàn Phạm Văn Thi và hai đồng chí Ủy viên thường trực Ban liên lạc Trung đoàn: Lê Trần Bách và Trần Trung Thành cùng về dự.



Hội trường buổi họp mặt.

   Tại cuộc họp mặt hai đồng chí Trưởng ban liên lạc của hai Chi hội (đồng chí Thấm - Quảng Ninh và đồng chí Vị - Hải Phòng) lần lượt đánh giá hoạt động của Chi hội mỗi địa bàn và sự phối hợp giữa hai chi hội trong thời gian qua do hai Chi hội có địa lý gần nhau cũng như từng có một xuất sứ ra đời và hoạt động chung từ nhiều năm trước khi mà Hải Phòng là Chi hội tiền thân đầu tiên của Ban liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. (Lúc đó Quảng Ninh do có ít thành viên nên chưa thể có riêng Chi hội và hiện tại số thành viên ngày một đông hơn, tuy vậy thường kỳ cứ đến ngày tổ chức họp mặt là hai Chi hội vẫn phối hợp cùng tổ chức mặc dù thi thoảng có những lúc sinh hoạt chung đó có những khi bị gián đoạn. Bởi vậy từ tinh thần thống nhất tại lần họp trước ở Thủy Nguyên - Hải phòng ngày 17 tháng 9 năm 2011 giữa hai Chi hội Hải Phòng với Chi hội Quảng Ninh nên từ nay giũa hai Chi hội vẫn tiếp tục sẽ tổ chức luân phiên nhau giữa hai đia phương).


Đồng chí Thấm - Trưởng ban liên lạc Chi hội Quảng Ninh.


Đồng chí Vị - Trưởng ban liên lạc Chi hôi Hải Phòng.

   Sau phần đánh giá hoạt động của hai Chi hội. đồng chí Trưởng ban liên lạc toàn Trung đoàn Phạm Văn Thi đã phát biểu ý kiến hoan nghênh việc hai Chi hội luôn đoàn kết gắn bó và duy trì tốt mọi hoạt động tình nghĩa trong nhiều năm cũng như đóng góp nhiều cho sự lớn mạnh của Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt ở hai Chi hội này đã lôi cuốn được cả chi em phụ nữ là vợ của anh em đồng đội cùng tham gia sinh hoạt vui vẻ, làm cho hoạt động tình nghĩa của Chi hội thêm ý nghĩa và tình cảm sẻ chia được nhân lên gấp bội. Thay mặt Hội tình nghĩa toàn Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Thi đã đánh giá cao việc này và cũng trân trọng cám ơn sự có mặt của những người vợ, những chị em phụ nữ đã từng chịu đựng bao vất vả hy sinh trước đây trong những năm tháng chiến tranh ở hậu phương cho chồng mình yên tâm nơi chiến trường ác liệt cũng như luôn sát cánh bên cạnh chồng trong những ngày tháng xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi dậy con cái và xây dựng quê hương trong những ngày hòa bình dựng xây đất nước. 
   Cũng trong lần về dự họp này đồng chí Trưởng ban liên lạc toàn Trung đoàn cũng chuyển tới Chi hội Hải Phòng và Quảng Ninh một số thông tin quan trọng đó là:
   -  Thông báo Hướng dẫn thực hiện "Nhà tình nghĩa Trường Sơn" theo sáng kiến của Báo Sài gòn giải phóng phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Theo đó Ban Tổ chức chương trình này sẽ trích 400 suất nhà tình nghĩa, mỗi suất trị giá 45 triệu đồng cho Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam để hỗ trợ cho các đồng chí là Bộ đội, Thanh niên xung phong đã từng chiến đấu công tác ở Trường Sơn các thời kỳ mà đang gặp khó khăn về nhà ở bắt đầu từ quý II năm 2012.
   -  Thông báo Hướng dẫn việc xét cấp 100 suất học bổng Quỹ Vừ A Dính năm 2012 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các cháu học sinh, sinh viên là con em cựu cán bộ, chiến sỹ (quân nhân), Thanh niên xung phong đã từng chiến đấu công tác ở Trường Sơn trong những năm chiến tranh nay là Hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam các địa phương. 
   -  Thông báo về việc dự kiến làm Kỷ niệm chương của Ban liên lạc Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh để trao tặng anh em đồng đội cũ hiện đang sinh hoạt trong Hội tình nghĩa toàn Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong dịp họp mặt toàn thể vào năm 2013 tới đây.


Đồng chí Trưởng ban liên lạc toàn Trung đoàn 13 
ô tô vận tải Anh hùng Phạm Văn Thi phát biểu ý kiến.


Đồng chí Phạm Văn Thi ân cần hỏi thăm chị em phụ nữ 
là vợ của các đồng đội cũ tham gia buổi họp mặt.

   Cuối buổi họp mặt, thay mặt anh chị em đồng đội cũ của hai Chi hội Hải Phòng và Quảng Ninh, đồng chí Lê Văn Báng là hội viên cao tuổi nhất Chi hội Quảng Ninh xúc động phát biểu ý kiến về cảm nghĩ của những người đồng đội cũ được gặp nhau trong một bầu không khĩ tình cảm chân thành của Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và hứa sẽ cùng nhau giữ vững nền nếp sinh hoạt tình nghĩa này để sau này chuyển tiếp tới các thế hệ con cháu, truyền lại cho đời sau truyền thống tinh thần cao cả của những người lính thép của Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.  
   Một bữa cơm thân mật với hương vị đậm đà của các món ẩm thực đặc sản vùng biển của vùng quê Hải Phòng và Quảng Ninh đã kết thúc buổi họp mặt. Mọi người cùng chung vui thưởng thức và lưu luyến chụp ảnh chung làm kỷ niệm hẹn gặp lại ở năm sau tại Hải Phòng trong lần luân phiên tiếp theo.


Đồng chí Báng, hội viên cao tuổi nhất của Chi hội Quảng Ninh.



Bữa cơm thân mật ngày họp mặt.


Chụp ảnh chung kỷ niệm sau buổi họp mặt.