ĐÂY LÀ TRANG BLOG GIỚI THIỆU VỀ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA NHỮNG TÀI LIỆU VÀ HÌNH ẢNH TRONG CUỐN LỊCH SỬ BẰNG HÌNH ẢNH DO BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 13 XUẤT BẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

THĂM LẠI KHE GÁT NƠI TỪNG LÀ CHIẾN TRƯỜNG XƯA

Tôi đứng bên tấm bia di tích Khu vực Khe Gát, nơi này bây giờ là ngã 3 của tuyến Đông Tây đường Hồ Chí Minh hiện đại.


Tôi có dịp trở lại nơi này: Xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong nhiều chuyến công tác của SPERI (Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội) nơi tôi đang làm việc sau ngày tôi rời quân ngũ.

Đổ đèo Đá Đẽo xuôi về hướng Nam có tấm biển xanh bên phải đường ghi chữ: "Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh". Đường Hồ Chí Minh qua đoạn này bỗng như rộng thênh thang hẳn ra gấp ba bốn lần so với toàn tuyến suốt dọc đường. Đi chừng ba kilômét nữa lại thấy một tấm bia đá chữ nhũ vàng sáng loá được xây dựng. Chữ trên bia cho thấy đây là Khe Gát. Phía sau bia là một cây đa to được Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân trồng lưu niệm. Những người từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ qua đất Quảng Bình, địa danh sân bay Khe Gát (thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vốn không xa lạ gì bởi kỳ tích của nó, nhưng không hẳn ai cũng tường tận đuợc những gian nan vất vả, đổ máu hy sinh để có được cái sân bay này cũng như những chi tiết về cái kỳ tích đã đi vào sử sách..
Riêng cái chiến tích được ghi trên tấm bia một cách tóm tắt đã cho thấy dấu ấn sự kiện của nơi này:"Sân bay dã chiến Khe Gát. Nơi đây, từ năm 1969 đến năm 1972, lực lượng không quân đã sử dụng máy bay chiến đấu phản lực để yểm trợ cho tuyến đường Hồ Chí Minh. Riêng ngày 19/4/1972(16 giờ 5'), phi đội MIG-17 của Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) và Lê Xuân Dị đã bắn cháy hai tầu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ".
Để bảo vệ tuyến đường. Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định xây dựng sân bay Khe Gát nhằm đánh chặn, đẩy lùi máy bay, tầu chiến Mỹ không cho chúng có cơ hội chặt đứt tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, tạo điều kiện cho các phương tiện cơ giới vận chuyển khí tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam.
Phải xây dựng sân bay tuyệt đối an toàn, bí mật trong điều kiện do thám, trinh sát của các loại máy bay và phương tiện tối tân như: OV-10, SR-71, cây thu phát nhiệt đới. Nhiệm vụ được giao cho Tiểu đoàn 28 công binh (Nay là Trung đoàn 28 công binh không quân).
Khi bắt đầu xây dựng, những phương tiện, thiết bị chuyên dụng như: Xe lu. xe cẩu, máy húc, xe gạt.. đều được tháo rời từ hậu phương chở từng bộ phận vào đến hiện trường mới được lắp ráp lại. Thời gian thi công được bắt đầu từ lúc xẩm tối cho đến lúc chạng vạng sáng. Làm đến đâu, thu dọn hiện trường và nguỵ trang đến đó.
Qua 7 tháng trời ròng rã trong gió Lào, nắng bỏng, mưa rét, bão lũ, lương thực, thực phẩm thiếu thốn mọi bề. Sân bay Khe Gát với đường băng bằng đất nện dài hơn 2 cây số đã hoàn thành.
Có được sân bay, đưa được máy bay vào đây tập kết mới là bài toán khó. Cấp trên quyết định thời điểm tốt nhất, an toàn nhất cho máy bay hạ cánh là lúc trời nhập nhoạng tối để tránh gặp máy bay địch.
Ngày 18/4/1972, lúc 15 giờ 45 phút, sở chỉ huy Binh chủng và Trung đoàn 923 tổ chức cho hai phi công là Lê Hồng Điệp và Từ Đễ lái hai chiếc MIG-17 từ sân bay Kép về sân bay Gia Lâm rồi vào sân bay Vinh. Từ Vinh, để đảm bảo bí mật, an toàn, sở chỉ huy dẫn đường cho từng chiếc một bay vào sân bay Khe Gát. Chiếc thứ nhất hạ cánh, chiếc thứ hai mới xuất phát. Chỉ một ngày sau, hai chiếc máy bay được kiểm tra kỹ thuật và lắp ráp bom, chuẩn bị sẵn sàng xuất trận..
Lúc 16 giờ ngày 16/4/1972, trạm rada đối hải 403 đặt ở cửa biển Nhật Lệ phát tín hiệu có một tốp tầu chiến của Hạm đội 7 Mỹ, xuất hiện ở phía Đông, cách cửa biển Nhật Lệ 18 km.
Biên đội do Lê Xuân Dị làm biên đội trưởng ở vị trí số 1, Trung uý Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) ở vị trí số 2 được lệnh báo động cấp 1, vào vị trí chiến đấu. Năm phút sau, lệnh xuất phát được truyền tới biên đội, hai chiếc máy bay MIG-17 nối đuôi nhau lần lượt cất cánh.
Mục tiêu đã nằm trọn trong tầm ngắm. Bốn quả bom rời thân máy bay rơi trúng đích. Hai tầu khu trục trúng bom bị hỏng, trong đó có tầu HEGBEE gần như bị tê liệt hẳn. Từ khi xuất kích cho đến khi hai chiếc máy bay trở về đến sân bay Khe Gát an toàn, chỉ mất đúng 17 phút, được ghi vào lịch sử của Binh chủng.
Đây là lần đầu tiên Không quân Việt Nam sử dụng máy bay tiêm kích đánh trọng thương tầu khu trục hạm của Mỹ trên Biển Đông. Trận đánh 17 phút thần kỳ đó đã khiến cho Hạm đội 7 của Mỹ không còn dám nghênh ngang vào gần bờ gây tội ác và buộc phải ngừng đánh phá vào đất liền hàng tuần lễ sau đó.
Trận đánh khởi đầu 17 phút lịch sử này mở ra khả năng chiến đấu mới của lực lượng không quân, đặt tiền đề quan trọng để quân đội xây dựng lực lượng tiêm kích bom sau này. Đó là điều không phải ai cũng biết khi đi ngang qua địa danh lịch sử này, giờ đã phôi phai dấu tích.