ĐÂY LÀ TRANG BLOG GIỚI THIỆU VỀ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA NHỮNG TÀI LIỆU VÀ HÌNH ẢNH TRONG CUỐN LỊCH SỬ BẰNG HÌNH ẢNH DO BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 13 XUẤT BẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

BÀI VIẾT VỀ ANH HÙNG LAO ĐỘNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI: ĐOÀN XUÂN TIẾP (NGUYÊN LÀ CHIẾN SĨ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG)


NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH DÁM NGHĨ DÁM LÀM

“Hạnh phúc của những thương bệnh binh và người khuyết tật cũng chính là hạnh phúc của mình”. Với quan niệm như vậy, ông Đoàn Xuân Tiếp - cựu chiến binh Trung đoàn 13 - Đoàn 559 Trường Sơn năm xưa luôn cố gắng làm hết sức mình để giúp đỡ những người không may mắn…



   Nhiều người khuyết tật và thương bệnh binh hiện đang sinh sống cũng như làm việc tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh không ai là không biết tới công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc và người đứng ra thành lập công ty này là ông Đoàn Xuân Tiếp. Là một thương binh, sau 19 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Đoàn Xuân Tiếp trở về quê hương và cảm thấy se sắt lòng khi nhận ra nền kinh tế của địa phương mình chậm phát triển, đời sống của người dân còn nghèo. Đối với những người khuyết tật và thương binh nặng thì càng khó khăn và vất vả hơn nhiều. Mang trên mình nhiều thương tật sau khi từ chiến trường trở về, ông Tiếp trăn trở tìm ra một cái nghề, một hướng đi để vực dậy cuộc sống không chỉ mong thoát nghèo mà còn phải tiến tới ổn định thu nhập và làm giàu. Tháng 6/1996, được sự giúp đỡ của UBND tỉnh Hải Dương, đặc biệt là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc được thành lập tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh do ông Tiếp chỉ đạo.
   Với mục đích dạy nghề miễn phí và tạo việc làm ổn định tại chỗ cho thương binh và người khuyết tật, trung tâm đi vào hoạt động từ ngày 14/9/1996. Khoá đầu tiên ông Tiếp tổ chức dạy nghề chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ cho 60 học viên. Trung tâm đã gặp không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất đến cơ chế hoạt động ban đầu. Khó khăn hơn nữa là công tác đào tạo nghề cho các học viên khuyết tật, trình độ văn hoá thấp hoặc không có, lại thường mặc cảm, tự ti với số phận. Chính vì vậy, các thày cô giáo khi giảng bài phải hết sức nhẹ nhàng.
   Với lòng nhiệt tình, kiên trì, nhẫn nại, ông Đoàn Xuân Tiếp từng bước thuyết phục được những người khuyết tật, thương bệnh binh. Ông tin vào khả năng của họ và tin vào hướng đi mà mình đã chọn. Trong quá trình dạy nghề và tiếp xúc với những người khuyết tật, ông Tiếp đã khám phá và giúp cho những người khuyết tật có cơ hội phát huy tài năng, bộc lộ năng khiếu. Không phụ lòng người chèo lái, 60 học viên khoá đầu tiên ra nghề đều đạt trình độ khá giỏi và họ được nhận vào làm việc ngay tại trung tâm, có chỗ ăn ở nội trú và không phải trả tiền điện nước sinh hoạt, với mức thu nhập trung bình từ 600.000-800.000 đồng/người/tháng (năm 1996). Có việc làm, thu nhập và được quan tâm cả đến đời sống tinh thần, người khuyết tật phấn khởi càng thêm tự tin, hoà nhập với cộng đồng. Điều đáng nói là sản phẩm của họ làm ra đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng quốc tế đánh giá cao.
   Mái ấm của những người khuyết tật và thương binh
   Nhận thấy cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và thương binh ngày càng phát triển ông Đoàn Xuân Tiếp quyết định đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thêm ngành nghề, đưa trung tâm lên thành công ty. Từ năm 1997 đến nay, công ty liên tục phối hợp với hai Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh tổ chức 8 lớp dạy nghề cho hơn 600 công nhân, trong đó đa số là người khuyết tật. Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc đã trở thành một mô hình trong lĩnh vực dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Hiện nay, số công nhân được bố trí việc làm tại công ty là hơn 600 người, trong đó thương bệnh binh và người khuyết tật gần 340 người (chiếm 57%), với mức lương bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài dạy nghề, công ty còn tổ chức cho người khuyết tật và thương bệnh binh học văn hoá, ngoại ngữ; tham quan giao lưu học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài… Nhờ sự quan tâm và sự giúp đỡ của những giáo viên trong công ty, đã có 45 học viên thành thạo 2-3 ngoại ngữ.
   Trong điều hành, quản lý, ông Đoàn Xuân Tiếp luôn suy nghĩ, tìm tòi các biện pháp mở rộng cơ sở sản xuất, ngành nghề và tìm thị trường để duy trì cũng như phát triển mô hình hoạt động của công ty với mong muốn ngày càng có nhiều người khuyết tật được học nghề và có việc làm. Từ một trung tâm nhân đạo quy mô nhỏ bé. Đến nay, với sự điều hành, năng động của ông Tiếp và sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên, công ty đã từng bước đi lên và ngày càng phát triển.
   Không dừng lại ở đó, với tâm niệm “tất cả vì cuộc sống của những người khuyết tật và những thương bệnh binh” và bằng thực tế qua 10 năm sử dụng nguồn lao động đặc biệt này, tháng 9/2004, ông Tiếp quyết định “đột phá” một bước đi táo bạo bằng một sự đầu tư lớn là thành lập thêm công ty Chân-Thiện-Mỹ, trụ sở đặt trên phố Ngọc Hà, Hà Nội. Công ty có hai khu nhà xưởng: Một tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh (Hải Dương) trên khuôn viên 5,7ha và một phân xưởng tại xã Châu Phong, Quế Võ (Bắc Ninh) trên diện tích 4,1ha. Dự kiến đến năm 2010 sẽ có trên 1.000 lao động khuyết tật được đào tạo và bố trí việc làm.
   Ngoài đào tạo để giúp đỡ những người khuyết tật, thương binh có việc làm, ông Đoàn Xuân Tiếp còn quan tâm tới hạnh phúc riêng của những người khuyết tật. Ban chấp hành công đoàn công ty giúp đỡ, làm đám cưới cho 17 cặp vợ chồng là công nhân khuyết tật của công ty và 15 người khuyết tật khác kết hôn với người ngoài công ty, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho họ. Đến nay, tất cả đều có cuộc sống hạnh phúc. Đã có 11 cháu bé được sinh ra từ mái ấm của các cặp vợ chồng khuyết tật, được công ty phối hợp với gia đình quan tâm chăm sóc chu đáo. Vì vậy, người lao động coi công ty như ngôi nhà chung của họ.
   Từ năm 2000 đến nay, công ty đã phối hợp với một tổ chức Phi Chính phủ Mỹ tổ chức phẫu thuật chỉnh hình miễn phí 2 đợt cho 17 người khuyết tật tại bệnh viện Tình Thương Nam Định và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương và Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam tổ chức cấp 6 xe lăn miễn phí cho người khuyết tật. Công ty cũng đã tham gia 8 cuộc hội chợ việc làm, trong đó có 3 hội chợ việc làm dành cho người khuyết tật.
Qua quá trình hoạt động nhân đạo của mình, ông Đoàn Xuân Tiếp đã nhận được rất nhiều động viên khen thưởng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương. Mô hình sản xuất kinh doanh của công ty đã được khách nước ngoài và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm, ghi nhận và đánh giá cao; đồng thời luôn nhận được sự động viên, cổ vũ của các cấp, các ngành. Gần đây nhất, ông vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.




   Là người năng động, dám nghĩ, dám làm, say mê tìm tòi, sáng tạo, ông Đoàn Xuân Tiếp khẳng định: Người khuyết tật hoàn toàn có khả năng làm ra sản phẩm cho xã hội, tự nuôi sống được mình, giúp đỡ cho gia đình và xã hội chứ không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội nếu như xã hội tạo điều kiện giúp đỡ họ. Với những gì đã và đang làm được, ông Đoàn Xuân Tiếp cũng chỉ nhận mình là “đòn bẩy cho những khả năng tiềm ẩn của những người khuyết tật được phát huy”.

Xem Video Clip về AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp theo đường Link sau:
 http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=ZTTxD7DJfSY

Bài đăng trên: Chương trình Người Đương Thời - Ban thanh thiếu niên (VTV6) 
Đài Truyền hình Việt Nam.



NƠI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TÌM THẤY NIỀM TIN



   Đào tạo nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn khó gấp bội. Vậy mà trong số gần 600 CN đang làm việc ở Cty TNHH Hồng Ngọc của ông Đoàn Xuân Tiếp, có tới 338 người khuyết tật, còn lại hầu hết là thương binh.
   Những con người này tàn nhưng không phế, bởi họ có sự giúp sức của ông Tiếp.
   Tìm việc cho người tàn tật
Kể về những ngày đầu mở Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc để dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật, thương binh, ông GĐ Đoàn Xuân Tiếp cho biết: Đấy là công việc hoàn toàn mới lạ, bởi những con người này sức khoẻ thường rất kém do người hỏng giác quan này, người trục trặc phần thân thể kia..., thậm chí ngay các sinh hoạt cá nhân hàng ngày cũng không tự làm nổi.
   Đã thế, những học viên lại có nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều người còn không biết đọc, biết viết nên việc tiếp thu lý thuyết, thực hành rất khó khăn. Nhưng theo ông Tiếp, khó khăn nhất là các học viên thường mặc cảm, tự ti với hoàn cảnh của mình nên sẵn sàng bỏ học, do đó việc dạy nghề cho người khuyết tật càng trở nên phức tạp.
   Nói về lý do chọn việc dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người tàn tật, thương binh..., ông Tiếp cho biết: Khi rời quân ngũ trở về quê hương, thấy LĐ dư thừa rất nhiều, nhất là anh chị em thương binh và người khuyết tật rất khó tìm việc làm để cải thiện cuộc sống. Nhiều người phải sống lay lắt và chỉ lặng lẽ trông chờ vào đồng tiền cứu trợ, vào sự thương cảm cưu mang của người thân và xã hội nên không ít người có tâm trạng buồn chán, mặc cảm nặng nề...
   Bởi thế, tôi quyết tâm tìm cách giúp anh chị em có thể làm việc tự nuôi sống mình. Cũng từ lý do đó mà Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc được ra đời từ tháng 6.1996 tại thị trấn Sao Đỏ, tỉnh Hải Dương. Kể về những ngày đầu, ông Tiếp cho biết việc làm của ông đã bị không ít người "dò xét". Không ít người đã nói thẳng với ông: "Mở trung tâm này để nhằm mục đích gì?". Chỉ đến khi thấy trung tâm làm ăn phát đạt, không phải nhận hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế... mọi mặc cảm mới xoá nhoà.
   Mái ấm cho những người khuyết tật
   Những ngày đầu thành lập, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc mới chỉ đủ sức tiếp nhận 60 học viên. Sau 9 tháng đào tạo nghề thủ công, tất cả số học viên này đã trở thành CN làm việc tại trung tâm với mức lương khởi điểm 300.000đ/tháng. Nhưng điều đáng quý, suốt quá trình học tập và làm việc tại đây, ông Tiếp đã tạo điều kiện giúp anh chị em thương binh và những người khuyết tật được bố trí ăn nghỉ miễn phí nên những con người này có cơ hội hoà nhập cộng đồng.
   Không dừng lại ở những nghề chạm khắc gỗ, đá, dệt thổ cẩm..., ông Tiếp đã nghiên cứu mở rộng sản xuất sang các nghề thêu ren, thêu tranh nghệ thuật, may, sơn mài, kim hoàn, gốm... là những việc làm phù hợp với khả năng làm việc của người khuyết tật. Chọn được hướng đi đúng, sản phẩm của CN khuyết tật đủ sức cạnh tranh trên thị trường và được khách du lịch ưa chuộng.
   10 năm phát triển, đến nay Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc đã trở thành Cty TNHH Hồng Ngọc với số LĐ lên tới 597 người, mà trong đó hầu hết là những người khuyết tật. Với sự tiếp sức của Cty, họ không còn phải dựa vào cứu trợ của xã hội, không còn là người sống thừa, mà họ đang được làm việc bằng chính sức LĐ và tài năng của mình với mức thu nhập ổn định của nhiều người lên tới 850.000đ/tháng, thậm chí có những người đạt mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng nên tự lo được cho cuộc sống bản thân và còn giúp đỡ cha mẹ, nuôi em ăn học... 100% NLĐ trong Cty được đóng BHXH, BHYT và được hưởng các chế độ chính sách.
   Trong môi trường đầy ắp tình thương của Cty Hồng Ngọc cùng vị GĐ Đoàn Xuân Tiếp, 17 cặp vợ chồng là những CN khuyết tật trong Cty đã thành hôn với sự giúp đỡ tạo điều kiện vật chất và tinh thần, đến nay đã có 11 cháu bé ra đời trong vòng tay nhân ái của những người lãnh đạo Cty. Không còn mặc cảm là những người khuyết tật, 15 CN của Cty cũng đã kết hôn với những người ở bên ngoài Cty và họ đều được hưởng sự quan tâm giúp đỡ của Cty. Về điều này, nhiều anh chị em đều nói: "Giờ đây, mọi người đều coi Cty như ngôi nhà chung của mình để tự giác làm việc xây ngôi nhà chung ngày một lớn hơn, đông vui hơn".
   Còn với ông GĐ Đoàn Xuân Tiếp, giờ đây ông vẫn đang miệt mài đi xây những mái ấm mới cho những người khuyết tật. Được biết, ông Tiếp đã mở thêm Cty Chân Thiện Mỹ tại tỉnh Bắc Ninh; Cty cổ phần Việt Sơn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và Cty cổ phần Chân Thiện Mỹ ở tỉnh Yên Bái để nhận những người khuyết tật vào làm. Nói về việc làm của mình, ông Tiếp chỉ nói: "Tôi vẫn là bộ đội Trường Sơn mà".
Bài đăng trên Báo Lao động online

NGƯỜI KHƠI BÀY TIỀM NĂNG TỪ NHỮNG CUỘC ĐỜI TÀN PHẾ

   Bỏ ngoài tai lời bình luận là gàn dở, ác mồm hơn là 'đâm đầu vào ngõ cụt', ông cứ âm thầm dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật. Đến nay khi đã là chủ của 2 doanh nghiệp mỹ nghệ, ông chỉ khiêm tốn nhận mình là đòn bẩy để khơi dậy khả năng tiềm ẩn từ những người kém may mắn.





   Ông là Đoàn Xuân Tiếp, Giám đốc hai công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc (Hải Dương) và Chân - Thiện - Mỹ (Bắc Ninh). Tại hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội, ông là 1 trong số 64 người bảo trợ được tôn vinh.
Sau 19 năm trở về từ quân ngũ, cựu chiến binh Đoàn 559 năm xưa không khỏi se lòng khi thấy quê hương nghèo quá. Cuộc sống của những người khuyết tật, trong đó có cả đồng đội từng chiến đấu cùng ông, quá chật vật. "Tôi quyết tìm cho họ một cái nghề để mong thoát nghèo", ông Đoàn Xuân Tiếp giải thích lý do mở Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc (thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Hải Dương), chuyên dạy nghề miễn phí cho thương binh và người khuyết tật.
   Năm 1996, khi khai sinh trung tâm dạy nghề, ông Tiếp đã gặp rất nhiều khó khăn. Học viên khuyết tật vốn trình độ văn hóa thấp, đầy mặc cảm tự ti, nên để dạy nghề cho họ là cả một bài toán nan giải. Thêm nữa, sự cạnh tranh quyết liệt của kinh tế thị trường, ánh mắt nghi ngại của cán bộ địa phương khi thấy ông lao vào lĩnh vực mà ai cũng muốn tránh xa, khiến ông nhiều lúc muốn buông xuôi. 
   Sau thời gian trầy trật xoay xở, sự kiên trì đã giúp ông tìm được "lối đi" vào lòng người khuyết tật. 60 học viên khóa chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ đầu tiên được nhận vào trung tâm làm việc đã cho sản phẩm, được thị trường chấp nhận. Nhiều học viên bị liệt hai chân, tay co rút, vốn trở thành gánh nặng cho gia đình, thì ở thời điểm năm 1996-2000 đã có thể kiếm được 500.000 đồng mỗi tháng.
   "Thành công bước đầu cho tôi sự tự tin vào con đường đã chọn, tin vào khả năng người khuyết tật", ông tâm sự. Đến nay, ông đã mở được 8 lớp dạy nghề cho hơn 600 học viên, phần đông là người khuyết tật. Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc đã tạo việc làm cho 600 người, trong đó thương bệnh binh và người khuyết tật là 388, với mức lương tháng bình quân 1 triệu đồng/người. Tháng 9/2004, ông thành lập thêm Công ty Chân - Thiện - Mỹ tại Bắc Ninh.
Là chủ 2 doanh nghiệp mỹ nghệ, chuyên cung cấp các mặt hàng thêu may, sơn mài, gốm, chế tác đá mỹ nghệ, trang sức bán khắp và ngoài nước, nhưng ông chủ Tiếp vẫn rất giản dị. Ông bảo không thể ra oai, quát tháo nhân viên được, mà phải vừa như người anh thủ thỉ tâm tình, vừa kiêm cả bảo mẫu, lo chỗ ăn, chỗ ở, vui chơi cho họ. "Người khuyết tật rất dễ mặc cảm, nếu không quan tâm chu đáo, cư xử không khéo, họ sẽ không tập trung làm việc", ông giải thích.
   Hằng ngày xuống thăm xưởng sản xuất, ông chủ Tiếp cứ băn khoăn khi bắt gặp ánh mắt buồn xa xăm của nhiều công nhân. Sau này, ông hiểu họ đang rất khao khát tình cảm lứa đôi, nhưng vì mặc cảm tật nguyền nên cố co mình lại. Ban chấp hành Công đoàn công ty sau đó được lệnh phải giúp đỡ công nhân. Đến nay, công ty đã tác thành cho 17 cặp vợ chồng là công nhân khuyết tật và 15 người khuyết tật của công ty với người bên ngoài. Đã có 11 cháu bé được sinh ra từ những mái ấm của cặp vợ chồng khuyết tật.
Nhìn chồng tất bật xuôi nam ngược bắc, rồi lại bôn ba ở nước ngoài tìm đầu ra cho sản phẩm, bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông cứ thấp thỏm. "Ông ấy trông to khỏe, nhưng bệnh tật đầy người, nào huyết áp thấp, tiểu đường, tim. Nói thật, tôi chỉ sợ ông ấy chết vì làm việc quá sức", bà tâm sự. Nhưng bà cũng không dám ngăn cản chồng, bởi bà biết tính ông đã quyết tâm làm cái gì thì làm bằng được.
   Hiện nay bà cũng như các con của ông đang giúp ông phát triển hai công ty, phấn đấu đến năm 2010 sẽ tạo việc làm cho trên 1.000 người khuyết tật. Ông Tiếp tâm sự thành công của ông hôm nay là nhờ người khuyết tật. 11 năm dạy nghề và tạo việc làm cho họ, ông khẳng định họ hoàn toàn tự nuôi sống mình, đóng góp cho gia đình và xã hội nếu như xã hội tạo điều kiện giúp đỡ.
   "Tôi chỉ xin làm đòn bẩy cho những khả năng tiềm ẩn của họ được phát huy", ông nói.

Bài đăng trên Báo điện tử vnexpress 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét