ĐÂY LÀ TRANG BLOG GIỚI THIỆU VỀ TRUNG ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 13 ANH HÙNG - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA NHỮNG TÀI LIỆU VÀ HÌNH ẢNH TRONG CUỐN LỊCH SỬ BẰNG HÌNH ẢNH DO BAN LIÊN LẠC HỘI TÌNH NGHĨA CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 13 XUẤT BẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

SƯU TẬP TRANH VẼ CỦA TÔI VỀ TRƯỜNG SƠN


Cứ 10 năm, ngành điêu khắc của giới mỹ thuật Việt Nam lại tổ chức triển lãm toàn quốc. Đây là Giấy chứng nhận tác giả tham dự Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc - Lần thứ hai (1973 - 1983) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu và Họa sĩ Trần Văn Cẩn Chủ tịch Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam cấp cho tôi ngày 30/3/1984


Tôi đang thể hiện phù điêu bằng chất liệu đất nung, một trong 3 tác phẩm trưng bày trong Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc - Lần thứ hai (1973 - 1983) do Bộ Văn hóa và Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đồng tổ chức.


Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập QĐNDVN (22/12/1944 - 22/12/1984) Triển lãm tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 3 được tổ chức bởi Tổng cục chính trị QĐNDVN. Tôi vinh dự có tác phẩm tham gia triển lãm này. Đây là Giấy chứng nhận do Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Trung tướng Nguyễn Nam Khánh cấp cho tôi ngày 8/2/1985.


Đường Hồ Chí Minh trên đỉnh Trường Sơn


Phong lan Trường Sơn


Vượt qua tọa độ lửa phía Tây Trường Sơn


Cầu phao Long Đại trên đường 15


Bãi khách giao liên Trường Sơn


Chân dung lính xe Trường Sơn (tự họa)


Đèo 1001 - Đường 128A


Trên đỉnh cua chữ A


Trọng điểm 050 trên đường 12

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC TRUNG ĐOÀN 13 TẠI BUỔI LỄ PHÁT HÀNH CUỐN LỊCH SỬ TRUNG ĐOÀN TỔ CHỨC Ở HÀ NỘI NGÀY 10 THÁNG 9 NĂM 2006

Đồng chí Trưởng ban Liên lạc Hội tình nghĩa Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng: Pham Văn Thi (nguyên là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn 13) đọc bài phát biểu trong Lễ phát hành cuốn sách: "Lịch sử Trung đoàn ô tô vận tải 13 - những chặng đường lịch sử - 1971 - 1983".

Thưa các đồng chí và các bạn, sau một thời gian khẩn trương tổ chức biên soạn cuốn Lịch sử Trung đoàn ô tô vận tải 13 – Những chặng đường lịch sử (1971 – 1983) đã hoàn thành. Với mục đích tái hiện lại có hệ thống quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành cũng như làm nhiệm vụ quốc tế và xây dựng đất nước. Cuốn lịch sử ra đời đã đáp ứng nguyện vọng mong ước của hầu hết cán bộ chiến sĩ, những người đã trực tiếp góp phần làm nên trang sử vẻ vang của Trung đoàn.
Hôm nay, nhân dịp Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trung đoàn 13.
Thay mặt Ban liên lạc tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu và cán bộ chiến sĩ Trung đoàn năm xưa nay là đồng đội với nhau đã về họp mặt, dự buổi lễ lịch sử này.
Thưa các đồng chí và các bạn. Trung đoàn 13 được thành lập ngày 15/9/1971 là đơn vị vận tải cơ giới đầu tiên cấp Trung đoàn ra đời trong chiến tranh ác liệt. Trung đoàn 13 được hình thành cũng là mở đầu thí điểm cho sự phát triển quy mô lớn của ngành vận tải quân sự Việt Nam trong chiến tranh nói chung và tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn nói riêng.
Chiến tranh càng phát triển, để thực hiện được mục tiêu chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không có con đường nào khác là lực lượng vận tải cơ giới của bộ đội Trường Sơn, phải nhanh chóng hùng mạnh cả về chất và lượng, đủ sức tiếp nhận vận chuyển binh khí, kỹ thuật, vũ khí, đạn dược, hậu cần.. từ miền Bắc đi thẳng, đi sâu, đi đến từng hướng chiến trường. Có như vậy mới phục vụ kịp thời, thỏa mãn cho các Quân khu, Quân đoàn, Sư đoàn, Quân binh chủng, bộ đội địa phương, đủ điều kiện đánh lớn, đánh rộng khắp, đánh liên tục để nhanh chóng giành thắng lợi hoàn toàn. Nhận thức được nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559. Trung đoàn 13 đã khẩ trương ổn định tổ chức, chăm lo con người, nhanh chóng tiếp nhận phương tiện, kỹ thuật, hậu cần, nên trong thời gian ngắn toàn Trung đoàn đã sẵn sàng vào trận với ý chí “Quyết chiến, quyết thắng”.
Cuối năm 1971 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh 559, Trung đoàn 13 xuất kích cũng là lúc báo hiệu giờ phút thiêng liêng bắt đầu, từng Đại đội, Tiểu đoàn lần lượt lên đường trong đội hình Trung đoàn tiến công, đi sâu, đi xa, giao hàng đến từng hướng chiến trường. Đội hình Trung đoàn vượt qua các trọng điểm ác liệt, nhiều trận Không quân Mỹ oanh kích vào đội hình. Nhưng với ý chí kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ và sự hợp đồng tác chiến cùng các lực lượng trên tuyến. Trung đoàn 13 quyết bám xe, bám hàng, bám đường thẳng tiến tới chiến trường. Chuyến hàng đầu tiên đến đích an toàn, vượt thời gian, chiến thắng dòn dã. Từ đó liên tục ngày đêm của những năm tháng tiếp theo Trung đoàn 13 đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hiện có thực hiện vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, hàng đặc biệt, các đoàn khách trong nước và quốc tế hoạt động trên cả 3 chiến trường Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chiến công nối tiếp chiến công, các đơn vị của Trung đoàn càng được lòng tin với các đơn vị trên toàn tuyến, được tặng những cái tên vừa trìu mến, vừa khâm phục: “Trung đoàn thép, Đại bàng vượt Trường Sơn…”. Đảng ủy – Bộ Tư lệnh 559 đánh giá cao thành tích Trung đoàn 13 và giao cho Trung đoàn là “Lực lượng chủ lực cơ động của chiến trường”.


Trong ảnh: Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thăm hỏi, động viên các chiến sĩ Trung đoàn 13 trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch vận chuyển Mùa khô năm 1971 - 1972

Thưa các đồng chí và các bạn, bằng những chiến công đặc biệt xuất sắc, nên chỉ sau ngày thành lập 2 năm 3 tháng 16 ngày Trung đoàn 13 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đây là phần thưởng cao quý, vinh dự không riêng cho Trung đoàn 13 mà còn vinh dự cho bộ đội Trường Sơn và vinh dự cho Quân đội nhân dân Việt Nam, vì chưa có một đơn vị nào của Quân đội được tuyên dương Anh hùng trước đó, cũng chưa có một đơn vị lực lượng vũ trang nào thành lập trong chiến tarn ác liệt một thời gian ngắn đã trở thành Anh hùng. Cũng chưa có một đơn vị nào ở chiến trường mà nhiều lần được đón các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến thăm động viên như Trung đoàn 13.
13 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và xây dựng đất nước, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, từ trần. Nhiều gia đình cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Người còn sống trở về cũng đã cống hiến tuổi thanh xuân, bỏ lại chiến trường một phần cơ thể, mang trong mình đủ thứ bệnh tật, có thứ bệnh của chiến tranh di truyền sang đời con, đời cháu dai dẳng, đau thương triền miên, tuyệt vọng.
Cuộc chiến tranh nào cũng có hy sinh mất mát lớn lao không gì bù đắp được. Nhưng rồi mỗi người, mỗi gia đình cũng chấp nhận sự hy sinh mất mát đó cho đất nước hòa bình, thống nhất, cùng nhau hướng tới tương lai nhằm xây dựng lại Tổ quốc Việt Nam “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Thưa các đồng chí và các bạn, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 13 khiêm tốn cũng có quyền tự hào lịch sử Trung đoàn 13 như một bản hùng ca hòa theo cùng non sông đất nước, là tài sản quý giá xứng đáng được bổ sung vào kho tàng lich sử của Quân đội và Quốc gia.
Đã từ lâu nhiều cán bộ chiến sĩ mong muốn có được cuốn lịch sử về Trung đoàn, nguyện vọng này hoàn toàn chính đáng và trong sáng. Để đáp ứng nguyện vọng của đồng đội, từ năm 1997 Ban liên lạc Trung đoàn đã triển khai phân công thực hiện nhưng 7 năm không làm gì. Năm 2004 lại triển khai nhưng rồi cũng không thành. Các đồng chí tâm huyết trong Ban liên lạc và nhiều đồng đội rất suy nghĩ trăn trở chưa làm được việc này như chưa đáp lại mong ước chính đáng của đồng đội và như có lỗi với hương hồn những đồng đội đã khuất.
Tháng 10 năm 2005 Ban liên lạc Trung đoàn cùng 14 Ban liên lạc các khu vực đã đồng tâm “Quyết không thể thất bại lầ thứ ba” mặc dù lúc này trong tay Ban liên lạc không có một thứ tư liệu, tài liệu lưu giữ về Trung đoàn từ sau khi giải thể. Ban liên lạc trực tiếp chỉ đạo, tổ chức biên soạn, gửi đề cương hướng dẫn, phân công tỏa đi khắp nơi gặp gỡ đồng đội thu thập tư liệu, tìm nguồn tài trợ tài chính; liên hệ các cơ quan lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, các Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh v.v.. để sưu tầm tư liệu, tài liệu, hình ảnh Trung đoàn trong chiến tranh. Tranh thủ sự giúp đỡ của Binh đoàn 12, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội, tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa.. Đến đâu cũng nhận được sự động viên, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi. Ban liên lạc Trung đoàn đã rất cố gắng làm hết sức mình giành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và tài chính.. cho công trình có ý nghĩa lịch sử này.



Đến nay cuốn Lịch sử đã được hoàn thành, tuy chưa thể hiện được đầy đủ hết các sự kiện lịch sử của tập thể, cá nhân trong suốt 13 năm liên tục, nhưng cuốn Lịch sử phát hành lần này Ban liên lạc bảo đảm được tính nghiêm túc, đúng đắn về nội dung các sự kiện lịch sử.
Ban liên lạc Trung đoàn chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài Quân đội, các Ban liên lạc khu vực và các đồng đội tâm huyết đã giúp đỡ trong quá trình triển khai và xuất bản. Nhờ vậy mà chưa đầy 10 tháng công trình đã hoàn thành.
Thay mặt Ban liên lạc Trung đoàn tôi tuyên bố phát hành cuốn Lịch sử Trung đoàn ô tô vận tải 13 anh hùng, đợt đầu với số lượng 1.000 cuốn trao tặng cán bộ chiến sĩ trong Trung đoàn và Kính tặng các đồng chí đại biểu quý mến.
PHẠM VĂN THI (Nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 13)

CÁC CÁ NHÂN ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG DANH HIỆU ANH HÙNG


CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN TỪ NĂM 1971 ĐẾN NĂM 1983


CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN TỪ NĂM 1971 ĐẾN NĂM 1983


CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN TỪ NĂM 1971 ĐẾN NĂM 1983


CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN TỪ NĂM 1971 ĐẾN NĂM 1983*


* Ban Liên lạc không sưu tầm được ảnh của các đồng chí: Hà Xuân Chinh, Linh Đức Đại, Phạm Hiền. Xin được bổ sung trong lần xuất bản sau.

Ảnh số 68,69 và 70:







Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 2009). Ban liên lạc Trung đoàn quyết định biên soạn cuốn sách ảnh lịch sử “Trung đoàn ô tô vận tải 13 - Những năm tháng hào hùng” (1971 - 2008). Ngày 19/4/2008 Ban liên lạc đã tổ chức họp với các Ban liên lạc khu vực tỉnh, thành phố gồm 70 đồng chí từ Quảng Bình trở ra để phổ biến toàn bộ kế hoạch và xây dựng quyết tâm tổ chức thực hiện. Có thể nói việc tổ chức biên soạn cho ra đời cuốn sách ảnh lịch sử là một nỗ lực rất lớn, có ý nghĩa sâu sắc, đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động tình nghĩa của Trung đoàn ô tô vận tải 13.
Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng còn mãi mãi lưu truyền trong sử sách và sống mãi với thời gian./.

Ảnh số 67:


Ngày 10/9/2006 nhân dịp Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trung đoàn, Ban liên lạc đã tổ chức Lễ phát hành – Trao tặng cuốn lịch sử cho anh em cựu chiến binh Trung đoàn tại Hà Nội. Tới dự buổi lễ long trọng này có đại diện Binh đoàn 12, đại diện Ban liên lạc cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn phía Bắc, Ban liên lạc Sư đoàn 571, thân nhân các đồng đội của Trung đoàn đã hy sinh và từ trần.. Đặc biệt có đông đủ các Ban liên lạc chi hội tình nghĩa địa phương từ Quảng Bình trở ra.
Trong ảnh: Các đồng chí trong Ban liên lạc Trung đoàn chụp ảnh kỷ niệm với các Ban liên lạc Hội tình nghĩa khu vực.

Ảnh số 65 và 66:




Trước nguyện vọng của các cựu chiến binh muốn có cuốn Lịch sử Trung đoàn, cuốn lịch sử này không chỉ giúp các cán bộ, chiến sĩ ôn lại những kỷ niệm sống, chiến đấu rất hào hùng trên tuyến đường mang tên Bác, mà còn có ý nghĩa làm phong phú thêm truyền thống bộ đội Trường Sơn. Với tinh thần đó năm 2005 Ban liên lạc Trung đoàn 13 đã quyết tâm biên soạn cuốn “Trung đoàn ô tô vận tải 13 – Những chặng đường lịch sử (1971 – 1983).
Trong ảnh là 9 thành viên trong Ban liên lạc Trung đoàn thông qua lần cuối bản thảo cuốn lịch sử.

Ảnh số 64:


Chi hội tình nghĩa Bắc Ninh trao Kỷ niệm chương cho gia đình đồng chí nguyễn Trọng Trai.

Ảnh số 63:


Ban liên lạc Hội tình nghĩa tỉnh Thái Bình trao tặng Kỷ niệm chương tới gia đình đồng chí Nguyễn Thị Tăng.

Ảnh số 62:


Đồng chí Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Dân Hòa huyệ Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình trao tặng Kỷ niệm chương tới gia đình đồng chí Bùi Văn Chậm.

Ảnh số 61:


Chi hội tình nghĩa khu vực Thành phố Sơn Tây tổ chức Lễ trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vận tải quân sự cho đồng chí Hà Đạt Trung tới gia đình.

Ảnh số 60:


Trao tặng Kỷ niệm chương ngành vận tải quân sự cho anh em cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn là một trong những hoạt động điển hình nổi bật về sự vận động của Ban liên lạc vì quyền lợi tinh thần cho đồng đội. Để tưởng nhớ tới các đồng đội đã hy sinh và từ trần, Ban liên lạc Trung đoàn chỉ đạo các Chi hội địa phương phải tổ chức tốt việc trao Kỷ niệm chương cho gia đình.

Ảnh số 58 và 59:




Ngày 19/12/2004 nhân cuộc họp đồng đội hàng năm Ban liên lạc Trung đoàn đã làm Lễ trao tặng “Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sơn” cho anh chị em là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn.

Ảnh số 57:


Thăm gia đình đồng chí Trần minh Đạo ở Nghệ An.

Ảnh số 56:


Tổ chức mừng thọ đồng chí Nguyễn Văn Trang, chính ủy đầu tiên của Trung đoàn.

Ảnh số 55:


Đến phúng viếng người thân của cựu chiến binh không may qua đời.

Ảnh số 53 và 54:




Trong hoạt động tình nghĩa của Trung đoàn, một nội dung được các Chi hội quan tâm là tổ chức đến thăm và động viên gia đình cán bộ, chiến sĩ cũ của Trung đoàn đã mất và hy sinh.
Ảnh 53: Đến thăm nhà đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 101, hy sinh tại trọng điểm cây số 25 đường 128A Binh trạm 31 và ảnh 54: Thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Lương Mác hy sinh tại miền Trung trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ảnh số 51 và 52;




Sau 32 năm tìm kiếm đồng đội đến năm 1998, đồng chí Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn đã gặp lại đồng chí Hoàng Công Đức, cán bộ Đoàn 100 (tiền thân của Tiểu đoàn 101) nằm điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần – Hà Nam. Đồng chí Hoàng Công Đức bị bom bi năm 1966 tại trọng điểm 050 – Binh trạm 31 tuyến vận tải Trường Sơn nên bị liệt nửa người được đưa ra Bắc điều trị từ đó đến nay. Khi đến Trung tâm điều dưỡng các cựu chiến binh đã đóng góp tiền để mua ti vi, quần áo tặng và động viên đồng chí Đức cùng gia đình.


Trong ảnh là đồng đội cùng vợ con của mình đến thăm đồng chí Đức tại Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng.

Ảnh số 50 và 51:




CÒN MÃI NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI


Năm 1998, trong một lần hành hương về lại chiến trường xưa, các cựu chiến binh Trung đoàn và cựu chiến binh Binh trạm 12 đến thăm nữ cựu chiến binh tên là Bính sống ở Bố Trạch – Quảng Bình. Sau những năm phục vụ ở Trường Sơn chị bị nhiễm chất độc da cam nên bị mủn xương nằm liệt, hàng năm phải ra Bệnh viện K ở Hà Nội để chạy chữa. Xúc động trước hoàn cảnh của chị một số anh em đồng đội góp tiền mua một chiếc xe lăn tại Trung tâm chỉnh hình Hà Tây về trao tặng. Nhờ có xe lăn nên hàng ngày đi điều trị gia đình không phải vất vả cõng chị trên lưng. Đồng thời trong thời gian ở Hà Nội, chiểu theo nguyện vọng của chị Tầm gia đình đã dùng chiếc xe lăn để đưa chị đi thăm Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình.
Trong ảnh là các cựu chiến binh đến nhà thăm chị Bính và chiếc xe lăn do các cựu chiến binh mua tặng.

Ảnh số 49:


Bên mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng, chính trị viên Đại đội 4 Tiểu đoàn 101 được mai tang tại khu vực các liệt sĩ Hà Nội trong Ngĩa trang Trường Sơn.

Ảnh số 48:


Đi tìm đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – Quảng Trị.

Ảnh số 47:


Thắp hương tưởng nhớ các dũng sĩ chiếm giữ đầu cầu Quảng Trị trong mùa Hè 1972 đã anh dũng hy sinh. Đó là 20 chiến sĩ của Đai đội Mai Quốc Ca thuộc Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ chặn đường rút chạy của địch đã bám chắc mặt cầu trong vòng vây của giặc, đánh bật chúng hết đợt này đến đợt khác, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tất cả 20 con người anh hùng ấy thì đã có 19 người anh dũng hy sinh.

Ảnh số 46:


Chiếc xe ô tô Zin 157 từng phục vụ vận chuyển vũ khí và lương thực cho bộ đội trong 81 ngày đêm chiến dịch Quảng Trị được trưng bày tại khu di tích Thành cổ.

Ảnh số 45:


Bảo tàng Thành cổ với hàng trăm hiện vật, ảnh tư liệu trưng bày đã gợi cho các cựu chiến binh nhớ lại những tháng ngày ác liệt, chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của lớp lớp thanh niên Việt Nam.

Ảnh số 44:


Giây phút trước đài tưởng niệm Thành cổ một công trình với kiến trúc độc đáo, ý nghĩa. Đài tưởng niệm tựa như một nấm mồ lớn phủ lớp cỏ xanh là nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ. Còn trên đỉnh của đài là hình tượng cây hương vươn lên trời cao như vong linh của các liệt sĩ sống mãi.

Ảnh số 43:


Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hung liệt sĩ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa 1972 ở Thành cổ Quảng Trị.

Ảnh số 41 và 42:




Thăm, tặng quà Đồn biên phòng và Hải quan cửa khẩu Cha Lo – Quảng Bình.